DNews

Việt Nam làm gì để bước vào mỏ vàng 1.000 tỷ USD công nghiệp bán dẫn?

Mộc An

(Dân trí) - Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Dự báo ngành này có giá trị khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam làm gì để bước vào mỏ vàng 1.000 tỷ USD công nghiệp bán dẫn?

Mỏ vàng 1.000 tỷ USD và cơ hội của Việt Nam

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…

Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới.

Báo cáo tại Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023.

Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện nay, nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.

Việt Nam làm gì để bước vào mỏ vàng 1.000 tỷ USD công nghiệp bán dẫn? - 1

Các nước trên thế giới đang có nhiều chiến lược phát triển ngành bán dẫn (Ảnh: IT).

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

 Thứ nhất là quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương. Thứ 2 là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử.

Thứ 3, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.

Thứ 4, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Mỹ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Đào tạo nhân lực là ưu tiên hàng đầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, nguồn nhân lực được xem là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - khẳng định Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến", ông Choi Joo Ho cho biết.

Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động ngành bán dẫn là một hướng đi chiến lược.

Chính phủ đang gấp rút triển khai nhiều động thái để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Đầu tiên là xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Đề án xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.

Đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Theo dự tính trong Đề án, để thực hiện mục tiêu đề ra, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.

Mức kinh phí này được tính toán dựa trên mức chi phí trang thiết bị, nhân lực theo định mức và thông lệ trên thế giới, phân chia theo các hạng mục công việc cụ thể của từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Việt Nam làm gì để bước vào mỏ vàng 1.000 tỷ USD công nghiệp bán dẫn? - 2

Nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: IT).

Phát triển nhân lực chất lượng cao cần đào tạo đúng, trúng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch. Tổng số nhân sự làm việc trong ngành này vào khoảng 5.000 người.

Theo ông Nguyễn Đức Minh - Phó hiệu trưởng Trường Điện Điện tử - ĐH Bách Khoa Hà Nội - nguồn nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam đã tiệm cận với thế giới tuy nhiên số lượng không nhiều. Ví dụ, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo 50 sinh viên ngành thiết kế vi mạch, khoảng 80-100 sinh viên công nghệ vi điện tử mỗi năm.

Tuy nhiên, sinh viên ngành điện tử viễn thông thuộc Đại học Bách Khoa và Đại học Bách Khoa TPHCM đã có thể tham gia vào khâu thiết kế tại các doanh nghiệp trên thế giới. Thu nhập của kỹ sư thiết kế vi mạch cũng không hề thua kém kỹ sư ngành hot như công nghệ thông tin.

Về dài hạn, ông Minh cho rằng để phát triển nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần đào tạo đúng và trúng. Đào tạo đúng kiến thức, kỹ năng và trúng với nhu cầu doanh nghiệp. Đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất có khảo sát thực tế để biết được nhu cầu thực sự trên thị trường về số lượng cũng như kỹ năng. Từ đó những đơn vị đào tạo sẽ có chiến lược phù hợp để đáp ứng được nhu cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Việt Nam - cho rằng cần liên tục mở rộng lượng nhân sự làm trong ngành bán dẫn từ con số 5.000 nói trên. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Yên ví đội ngũ kỹ sư như chiếc mỏ neo giữ các công ty, giữ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Để mỏ neo lớn mạnh và chắc chắn thì cần sự tham gia quyết liệt của Nhà nước. Chuyên gia này kiến nghị cần có những ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực từ trong và ngoài nước cho ngành này ví dụ như giảm thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra ông Yên cho biết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần xác định chiến lược dài hạn 20-30 năm và chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể giai đoạn đầu, Việt Nam cần ưu tiên dồn lực phát triển nguồn nhân lực, sau đó mới đến xây dựng hệ thống nhà máy.