Reuters:

Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Bộ Thương mại Mỹ sẽ tổ chức điều trần để quyết định việc có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không.

Chiều ngày 8/5 (theo giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ sẽ tổ chức một cuộc điều trần trực tuyến để lắng nghe các quan điểm về việc cân nhắc nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường. Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe lập luận của 2 bên trong cuộc điều trần như một phần của quá trình đánh giá đến cuối tháng 7.

Theo Reuters, hiện nay, các nhà sản xuất thép và nuôi tôm ở vùng duyên hải vịnh Mexico của Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường, nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ động thái này.

Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam. "Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước", Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhận định. "Họ đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng".

Việc nâng quy chế như vậy sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường vốn phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

"Các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn", ông Osius nhấn mạnh với Reuters.

Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí để đánh giá các quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không.

Các tiêu chí bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ, mức lương theo kết quả đàm phán giữa người lao động và chủ lao động và cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác.

Bên cạnh đó còn có những tiêu chí khác như Chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không, Chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá và quyết định sản lượng hay không...

Theo Reuters