1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ xấu lại "nóng" lên tại các ngân hàng

Thảo Thu

(Dân trí) - Báo cáo tài chính quý II hé lộ loạt ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm, thậm chí có nhà băng có tỷ lệ nợ xấu lên đến gần 11%.

Kết quả kinh doanh vừa được một số ngân hàng công bố cho thấy song song với việc thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng là diễn biến có phần đáng lo ngại ở chất lượng tín dụng quý II và nửa cuối năm nay.

Nợ xấu lại nóng lên tại các ngân hàng - 1

Song song với việc thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng là diễn biến đáng lo ngại ở chất lượng tín dụng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nợ xấu giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng

Trong loạt ngân hàng sớm công bố báo cáo tài chính quý II, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ thấp nhất. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của nhà băng này ở mức 0,6%, giảm so với mức 0,66% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 171,6%.

Tại những ngân hàng tầm trung như VIB, đến cuối quý II, tỷ nợ xấu chiếm 1,74% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức 1,75% đầu năm.

Tại MSB, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/6 cũng giảm so với thời điểm đầu năm, từ mức 1,74% về mức 1,5%.

Hay tại ABBank, nợ xấu đến hết quý II chiếm tỷ lệ 2,3% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,34% hồi đầu năm.

Còn tại ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank), nợ xấu đến hết quý II là 0,72%, giảm so với mức 0,77% hồi đầu năm.

Dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của các nhà băng trên đều giảm và ở mức dưới 3% - ngưỡng quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng, song nợ có khả năng mất vốn tại một số đơn vị lại tăng mạnh.

Tại Techcombank, một điểm đáng lưu ý là dù nợ dưới chuẩn giảm 25% song nợ nghi ngờ tăng hơn 4% và nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 200 tỷ đồng, tương ứng 27% so với đầu năm. 

Tương tự, dù nợ xấu giảm nhẹ nhưng nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn của VIB tăng. Tính đến thời điểm 30/6, nợ nghi ngờ của VIB tăng 32%, nợ có khả năng mất vốn tăng 67%. Nợ xấu tăng buộc ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Mức trích lập đến thời điểm ngày 30/6 là 2.934 tỷ đồng, tăng 22,25% so với hồi đầu năm.

Hay tại ABBank, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 20% so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 58% tổng nợ xấu, tổng dư nợ tuyệt đối tăng 10,7%. Dù nợ xấu tăng lên, dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng lại giảm hơn 41%.

Nợ xấu tăng mạnh trong quý II

Nhiều ngân hàng khác sớm công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng so với thời điểm đầu năm.

Nợ xấu lại nóng lên tại các ngân hàng - 2

Tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng đã tăng so với thời điểm đầu năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tại LienVietPostBank, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 11,2% và tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,37% lên 1,4%. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 37,8%.

Một ngân hàng tầm trung khác là PGBank ghi nhận tổng nợ xấu đã giảm 4,3% so với hồi đầu năm song tỷ lệ nợ xấu lại tăng, từ mức 2,5% lên 2,6%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng 5,2% và 3,3% so với hồi đầu năm.

Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên vẫn được kiểm soát ở mức dưới 3%. Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một nhà băng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn nhiều hoạt động. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 16/2021 thì ngân hàng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp hay theo Thông tư 22/2019, ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác.

Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 4,5% hồi đầu năm lên 5,25%. Nợ nghi ngờ tăng hơn 20%, trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 2,5 lần. Trước đó, thời điểm kết thúc quý I, tỷ lệ nợ xấu của VPBank là 4,83%, cao nhất toàn ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, mức tăng nợ xấu "khủng" nhất trong số nhà băng công khai báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại là NCB. Tỷ lệ này tại NCB thời điểm đầu năm là 3%, sau đó tăng lên 3,73% lúc hết quý I và hiện đã nhảy vọt lên 10,8%. Điều này tương ứng cứ 100 đồng thì ngân hàng có gần 11 đồng là nợ xấu. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn của NCB tăng 90%, nợ nghi ngờ tăng gấp 15 lần, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 140%.

Nợ xấu có "căng" trở lại?

Từ trước đó, giới chuyên gia tài chính ngân hàng từng nhiều lần cảnh báo tác động của dịch Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay sẽ gây áp lực lớn tới diễn biến nợ xấu tại các ngân hàng.

Đặc biệt, giới chuyên gia đều cùng đưa ra nhận định Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6 sẽ khiến vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng nổi rõ hơn.

Nợ xấu lại nóng lên tại các ngân hàng - 3

Chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ chịu sức ép lớn về nợ xấu những tháng cuối năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng các ngân hàng sẽ chịu sức ép lớn về nợ xấu những tháng cuối năm. "Nợ xấu có thể còn tăng mạnh", ông nói.

Theo vị chuyên gia này, việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ là yếu tố tác động lớn đến bức tranh nợ xấu nửa cuối năm. "Trường hợp trích lập dự phòng không đủ, nếu khách hàng không trả được nợ sẽ gây áp lực lớn lên thanh khoản của ngân hàng cũng như toàn hệ thống", ông nói thêm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định nửa đầu năm nay, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực, ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm nay, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, việc Thông tư 14/2021 về cơ cấu nợ hết hiệu lực, Nghị quyết 42 về xử lý không luật hóa sẽ gây tác động tiêu cực các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu.

Theo ông, vấn đề nợ xấu có thể căng trở lại và thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam nửa cuối năm nay.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà Nước không xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 14/2021 là có áp lực, song vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM, nhận định vấn đề nợ xấu không quá lo ngại. "Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, khách hàng… để kiểm soát tốt vấn đề nợ xấu", ông nói.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 100% với tỷ lệ bao phủ nợ cao, cho thấy việc sẵn sàng ứng phó với diễn biến nợ xấu khi thời hạn cơ cấu lại các khoản nợ không còn của nhiều tổ chức, qua đó sẽ tăng "sức đề kháng" cho toàn hệ thống trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm