Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - "người thợ xây" 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường

Nhóm PV

(Dân trí) - Trần Tuấn Hùng là một trong những người đầu tiên thành lập ban nhạc Bức Tường. Dù đã gần 30 năm trôi qua, tình yêu với nhạc rock, ban nhạc của anh vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Guitarist Trần Tuấn Hùng mới đây có buổi trò chuyện cởi mở và đầy cảm xúc với sinh viên Học viện Ngoại giao. Tại đây, anh đã có những chia sẻ về con đường hoạt động nghệ thuật của bản thân cùng ban nhạc Bức Tường.

Ngọn lửa đam mê rực cháy suốt 30 năm

Anh có thể bật mí đâu là khởi nguồn đam mê âm nhạc của anh?

Việc tôi học guitar từ bé xuất phát từ niềm đam mê của bố. Sau đó, tôi đã dành 4 năm theo học guitar cổ điển tại Nhạc viện. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi nhận thấy bản thân không phù hợp với âm nhạc, vì thế, tôi quyết định rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác, đó là theo học khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng. Ngay cả bản thân tôi lúc đó cũng không thể ngờ rằng, chính quyết định này lại mở ra cho mình một chương mới trong quãng đời về sau.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, tại môi trường như Đại học Xây dựng, tôi lại có thể gặp được những người bạn cùng chung chí hướng, sở thích và đam mê rock như vậy. Và rồi điều gì tới cũng tới, ban nhạc Bức Tường ra đời như một lẽ đương nhiên.

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - người thợ xây 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường - 1

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng chụp ảnh cùng sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: Nguyễn Thị Thu Hà).

Các anh đã đi cùng nhau một quãng đường rất dài. Trong suốt hành trình ấy, động lực nào đã khiến các anh có thể vượt qua những khó khăn ấy để tiếp tục bước tiếp cùng nhau?

Suốt hành trình gần 30 năm, Bức Tường đã trải qua khá nhiều sóng gió. Đầu tiên là năm 1998, sau khi các thành viên trong ban nhạc ra trường. Khoảng thời gian đó, cả nhóm mất đi định hướng, không có nhạc cụ, không có lời mời biểu diễn. Khi ấy, ban nhạc suýt tan rã.

Trong giai đoạn khó khăn ấy, cố nghệ sĩ Trần Lập đã sáng tác ra ca khúc Đường đến đỉnh vinh quang để khích lệ anh em trong nhóm. Ca khúc ấy truyền động lực cho các thành viên tiếp tục bước trên con đường đã đi. Cũng chính tác phẩm ấy đã truyền cảm hứng, trở thành nguồn động lực lớn cho rất nhiều người dân Việt Nam.

Một mốc thời gian không thể quên khác với Bức Tường là vào năm 2006, chúng tôi đã phải nói lời chia tay đối với khán giả. Đây là quyết định vô cùng khó khăn với cả tôi và ban nhạc.

Sau khi ban nhạc Bức Tường phải nói lời chia tay, bản thân tôi thực sự rất buồn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cạo trọc đầu. Dù ban nhạc đi đến quyết định tan rã với sự thống nhất của tất cả thành viên, sâu trong thâm tâm, tôi vẫn luôn mong muốn Bức Tường có thể quay trở lại.

Và rồi thật may mắn khi ban nhạc quay lại nói chuyện với nhau, Bức Tường một lần nữa được "xây lại". Chúng tôi hứa với nhau rằng sẽ không bao giờ để Bức Tường sụp đổ thêm một lần nào nữa. Cho đến hiện tại, lời hứa ấy vẫn được giữ gìn vẹn nguyên.

Tưởng như mọi thứ sẽ tiếp tục như vậy nhưng vào năm 2016, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường - nhạc sĩ Trần Lập qua đời. Lúc ấy, Bức Tường như bị đánh sập, chúng tôi như rắn mất đầu, như con tàu bị chìm khi không còn người thuyền trưởng cầm lái.

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - người thợ xây 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường - 2

Nhạc sĩ Tuấn Hùng trên sân khấu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có lẽ, đam mê với rock, tình yêu với Bức Tường của các thành viên còn lớn quá, còn mạnh mẽ quá, chúng tôi quyết định phải cùng nhau bảo vệ Bức Tường đến cùng, gìn giữ những di sản mà anh Trần Lập để lại cho nhóm.

Không ai tưởng tượng Bức Tường có thể đi cùng nhau tới ngày hôm nay. Nhiều người cho rằng, không có Trần Lập thì không còn Bức Tường. Nhưng chúng tôi của hiện tại vẫn là Bức Tường của thập niên 2000, chỉ là trong diện mạo mới, trẻ trung hơn, phù hợp với xu thế hiện tại.

Đối với một ban nhạc rock, ca sĩ chiếm đến 70% sự hiện diện của ban nhạc. Thế nhưng, để một ban nhạc có thể đi tiếp thì cần có tất cả thành viên và để nhận diện ban nhạc thì cần nhìn nhận qua các sản phẩm âm nhạc.

Mãi một khao khát truyền lửa

Xuất thân từ phong trào ca nhạc sinh viên, âm nhạc của Bức Tường luôn truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê tới khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Sau gần 30 năm hoạt động, anh thấy rằng ngày nay, cách "truyền lửa" ấy có gì khác biệt so với trước đây?

Thực ra, mong muốn "truyền lửa" xuất hiện trong đầu chúng tôi từ những ngày đầu tiên thành lập ban nhạc. Việc được biểu diễn, được chơi nhạc đã là niềm vui, nhưng làm thế nào để các sản phẩm âm nhạc có thể mang đến ý nghĩa tích cực, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng tốt đẹp về ban nhạc sinh viên tới khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, mới là điều cả nhóm luôn trăn trở.

Xuất thân của Bức Tường là những sinh viên thuộc Đại học Xây dựng, chúng tôi không có chuyên môn về âm nhạc. Đối với nhóm, việc được chơi nhạc đã là ước mơ.

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - người thợ xây 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường - 3

Hình ảnh ban nhạc Bức Tường năm 1995 (Ảnh: Tư liệu).

Từ chơi nhạc đến sở hữu cho mình một cây đàn riêng rồi phát hành album và cùng nhau đi biểu diễn, ước mơ của chúng tôi cứ lớn dần theo từng ngày và cuối cùng cũng trở thành sự thật. Thật tuyệt vời khi ước mơ của chúng tôi tạo thành niềm cảm hứng cho rất nhiều khán giả, bạn trẻ khác.

Các bài hát trước đây do cố nhạc sĩ Trần Lập sáng tác đều mang một sứ mệnh, đó là để lại những điều tốt đẹp cho đời. Đi cùng nhau quãng đường dài và rất hiểu nhau, vì vậy khi độc lập sáng tác, nhóm vẫn luôn giữ một tiêu chí, đường lối rõ ràng: Tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa với cộng đồng.

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - người thợ xây 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường - 4

Ban nhạc Bức Tường năm 2024 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chúng tôi coi đây là phần linh hồn xuyên suốt các tác phẩm của mình. Ngay cả với những bài hát có câu chuyện về tình yêu, tình yêu ấy cũng sẽ không trở nên bi lụy, dù có là chia tay cũng phải là chia tay một cách văn minh.

Rất nhiều bạn khi gặp tâm sự với tôi rằng, tôi là nguồn cảm hứng để bạn ấy quyết định theo học đàn hay lựa chọn thi vào Đại học Xây dựng. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc, bởi bản thân tôi luôn mong muốn thông qua những sản phẩm âm nhạc, cách sống, cách cư xử của bản thân, mọi người có thể tìm được niềm cảm hứng nào đó để học tập và làm theo.

Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - người thợ xây 29 năm cần mẫn bảo vệ Bức Tường - 5

Rocker Trần Tuấn Hùng trong buổi trò chuyện cùng sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: Lê Nguyễn Bảo Hân).

Trải qua quãng thời gian rất dài, âm nhạc của Bức Tường đã có những thay đổi nào?

Cuộc sống là một dòng chảy. Chính vì vậy, nó luôn thay đổi. So với những năm 1990-2000, cách tiếp cận âm nhạc, phong cách âm nhạc hiện nay có rất nhiều sự khác biệt.

Các bạn trẻ ngày nay muốn nghe những bài hát với từ ngữ gần với đời hơn và không mang nhiều sự hô hào như trước. Không nằm ngoài dòng chảy của cuộc sống, âm nhạc của Bức Tường bây giờ cũng rất khác so với trước đây.

Từ năm 2016, Bức Tường quyết định chỉ chơi đi chơi lại những bài cũ, điều này đã diễn ra liên tục trong giai đoạn 2016-2018. Tuy nhiên, dần dần cả nhóm nhận thấy việc này không đem lại niềm vui thực sự và để có thể tiếp tục duy trì, Bức Tường chắc chắn phải tạo ra sản phẩm mới.

Màu sắc âm nhạc của Bức Tường bây giờ phù hợp với khán giả hiện nay hơn, cách chơi của nhóm cũng nhẹ nhàng, êm dịu hơn. Diện mạo có thể mới nhưng linh hồn thì vẫn vậy.

Tinh thần âm nhạc Bức Tường đã truyền tải trong suốt 30 năm vẫn sẽ được chúng tôi tiếp tục truyền đi trong những tác phẩm mới. Nếu Bức Tường cho ra đời các tác phẩm có phần dễ dãi, có lẽ chúng tôi đã thất bại ngay từ đầu.

Bức Tường luôn mong muốn khi tạo ra điều gì đó mới mẻ vẫn được mọi người đón nhận và gọi chúng tôi là Bức Tường, chứ không phải bằng một cái tên khác.

Thật may mắn trong các buổi liveshow, talkshow của Bức Tường, các tác phẩm mới của chúng tôi đều được khán giả đón nhận. Người hâm mộ của nhóm đều thuộc, hát theo các bài hát mới, trong số đó cũng có nhiều bạn trẻ Gen Z.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Tuấn Hùng.

Khuê Anh - Minh Phương - Bảo Hân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm