1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tín dụng tăng trưởng chậm

Thảo Thu

(Dân trí) - Không có ngân hàng nào đề cập tới câu chuyện bị ảnh hưởng bởi room tín dụng. Dù thế, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng.

Thông tin tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, ông Đào Minh Tú cho biết tính đến 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này tương ứng các ngân hàng đã giải ngân 245.600 tỷ đồng từ đầu năm, tương đương 81.900 tỷ đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng tín dụng đã giảm một nửa.

Từ đầu năm, nhà điều hành đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại năm nay. Theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay vẫn diễn ra bình thường, không có nhà băng nào đề cập đến câu chuyện bị ảnh hưởng do room tín dụng. "Dù vậy, tăng trưởng tín dụng thực tế vẫn thấp hơn kỳ vọng", ông Tú nói.

Tín dụng tăng trưởng chậm - 1

Tín dụng tăng thấp nhất 3 năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng chậm, Phó thống đốc cho biết trong quý I, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại. 

"Đây là giai đoạn đầu năm nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói thêm nguyên nhân khách quan khiến tín dụng tăng chậm.

Đánh giá về những biến động trên thị trường tiền tệ thế giới, Phó thống đốc cho biết xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và các nền kinh tế lớn tiếp tục tác động đến chính sách tiền tệ Việt Nam quý I. Bên cạnh đó, những khó khăn của các nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam, một số ngân hàng của Mỹ phá sản… ảnh hưởng tới chính sách điều hành vĩ mô.

Thông tin thêm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến hiện tại, các cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu gần như không còn tác động trên thị trường Việt Nam. "Tâm lý nhà đầu tư đã ổn định, tất cả các giao dịch tiền tệ trên thị trường tiền tệ không có biến động mạnh", ông Quang nói.

Về lãi suất, định hướng từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong quý đầu năm, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất đối với cả tiền gửi và tiền vay. Ông Phạm Chí Quang cho biết hiện đã có 24 ngân hàng giảm lãi vay, lãi tiền gửi mặt bằng chung cũng đã đồng loạt giảm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm