Thông tin mới nhất về gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Có 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đồng ý bố trí gói tín dụng ưu đãi quy mô 120.000 tỷ đồng phân bổ cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều nay (3/3), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể đến từ vấn đề pháp lý hay vấn đề mất cân đối cung cầu trên thị trường và có thể do thiếu nguồn vốn.
Theo ông Hà, Bộ Xây dựng đã có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan tới 2 phân khúc nhà ở trên.
Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, đồng ý bố trí gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi ngân hàng là 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm ngân hàng thương mại có thể tham gia, quy mô gói tín dụng này sẽ được tăng lên.
Mức lãi suất thấp theo gói tín dụng này, dự kiến thấp hơn 1,5-2% so với mức vay thông thường ngân hàng.
Sau cuộc họp nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, trên cơ sở nghị quyết được ban hành, Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng trên sẽ thực hiện đúng theo quy định với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Trước đó, tại hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay của gói này với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là giải pháp có thể làm được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đảm bảo dòng tiền để vận hành.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về điều kiện cho vay, hệ số rủi ro, chuyển nhóm nợ..., đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Bởi nếu người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.