Ngấm đòn lãi vay, chủ khách sạn ở Đà Nẵng rao bán mãi vẫn ế
(Dân trí) - Chuẩn bị bước vào mùa du lịch nhưng nhiều khách sạn ở Đà Nẵng vẫn đóng cửa im lìm, một số nơi còn rao bán vì không chịu nổi lãi vay ngân hàng.
Theo ghi nhận của Dân trí, trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, siêu thị đóng cửa, bỏ hoang.
Một khách sạn 4 sao nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) cao 13 tầng tuy nhiên hiện tại chỉ có vài nhân viên bảo vệ trông coi. Tất cả cửa ra vào của khách sạn đóng kín, biển hiệu đã xuống cấp, hư hỏng.
Bên cạnh đó, có nhiều dự án khách sạn vài chục tầng nhưng bị bỏ dở thi công. Có công trình chỉ vừa hoàn thành phần thô nhưng cũng có công trình đã gần đến đoạn hoàn thiện, đưa vào sử dụng cũng bị bỏ hoang. Các cửa vào của dự án được đóng kín.
Không chỉ đóng cửa, bỏ hoang, nhiều khách sạn còn được rao bán trên các trang mua bán nhà đất. Các khách sạn lớn, nhỏ khác nhau tại Đà Nẵng được rao bán với giá từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Những công trình này chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển thuộc các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.
Không chỉ những khách sạn 3 sao, căn hộ cho thuê và khách sạn 4-5 sao có giá 100-500 tỷ đồng cũng được ký gửi qua các công ty, sàn giao dịch bất động sản để bán.
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm, khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 742.500 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 195.300 lượt, tăng 49 lần so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 4.374 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên theo ông Trịnh Bằng Có - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - hiện doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng nói riêng đang rất khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, có khoảng 51.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính là không chịu nổi lãi vay ngân hàng và không có tiền đáo hạn dẫn đến quá hạn, không thể vay được phải ngừng hoạt động.
Riêng Đà Nẵng, hiện nay có hơn 100 khách sạn 1-5 sao đang rao bán. Trong đó, trên đường Võ Nguyên Giáp có 12 khách sạn (từ 2 đến 5 sao), giá thấp nhất 35 tỷ đồng, cao nhất 1.100 tỷ đồng.
Đường Bạch Đằng có 5 khách sạn (2-3 sao), giá bán thấp nhất từ 55 tỷ đồng, cao nhất là 165 tỷ. Đường Đỗ Bá có 4 khách sạn, Võ Văn Kiệt 5 khách sạn, Phạm Văn Đồng 2 khách sạn và 70 khách sạn nhỏ ở nhiều tuyến đường khác nhau.
Tuy nhiên, chưa chắc đã có người mua vì giá trị khách sạn quá lớn và không phải ai cũng dám đầu tư vào lúc này.
Ông Có cho biết thêm, sau đại dịch, du lịch là ngành phục hồi rất chậm, hiện nhiều khách sạn ở Đà Nẵng vẫn còn đóng cửa.
"Khách sạn sau đại dịch muốn đưa vào hoạt động thì phải có tiền, không có tiền sửa chữa cơ sở vật chất. Mở cửa tăng mức lỗ, đóng cửa giảm mức lỗ, đây là bài toán cực kỳ khó", ông Có lý giải.
Bên cạnh đó, ông Có cho rằng cần có sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Chính sách hạ lãi suất chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh, phục hồi tốt.
Đối với doanh nghiệp du lịch, kinh doanh khách sạn, việc được giãn nợ quan trọng hơn, giúp doanh nghiệp không phải vay ngoài với lãi suất cao để đáo hạn.
"Thời Covid-19, ngân hàng hoạt động, khách sạn đóng cửa thì giám đốc vẫn phải trực ở đó thay cho bảo vệ và lễ tân để làm thủ tục chạy tiền trả nợ", ông Có nói.
Ông Có kiến nghị giãn nợ thì ngân hàng vẫn giữ nguyên lợi ích, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ nhưng không phải chạy đôn chạy đáo để đáo hạn.