Tín dụng “đen” là thách thức của thị trường tài chính Việt Nam

(Dân trí) - Mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng “đen” hay công nghệ tài chính đang là những thách thức lớn của ngành tài chính trong năm 2019.

Bốn thách thức "đặc biệt" của ngành tài chính

Vừa qua, tại hội thảo “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” được tổ chức ở TPHCM, các chuyên gia, nhà quản lý đã “mổ xẻ” những điều kiện căn bản để thúc đẩy sự “bứt phá” của kinh tế Việt Nam. Trong đó, thị trường tài chính luôn là vấn đề nóng hổi và được nhiều người quan tâm.

Tín dụng “đen” là thách thức của thị trường tài chính Việt Nam - 1
Hội thảo “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” ở TPHCM

TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, năm 2019, thị trường tài chính Việt Nam sẽ gặp khá nhiều thách thức, trong đó có 4 thách thức chính.

Thách thức thứ nhất, theo ông Tuấn, chính là sự mất cân đối nhất định giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thị trường vốn tuy có sự chuyển biến về tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế song còn nhỏ và chưa phát triển.

"Cụ thể là vai trò của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế, sản phẩm thiếu đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm như phái sinh, chứng khoán hóa…Việc cung cấp thông tin hạn chế khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm…", ông Tuấn nói.

Đặc biệt, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn cho các doanh nghiệp. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp ước khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực (21%). Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng gia tăng hơn.

Thách thức thứ hai là hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải thiện, đó là tỷ lệ an toàn vốn chưa phản ánh đầy đủ mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại và chịu nhiều áp lực tăng vốn theo nguyên tắc chung về các chuẩn mực của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BASEL II); Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo; Cơ sở hạ tầng tài chính còn chưa bắt kịp với chuẩn mực quốc tế; Dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng tuy được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Điều này khiến việc hạ chi phí vốn cho nền kinh tế tiếp tục gặp trở ngại.

Thách thức thứ ba chính là hoạt động “tín dụng đen” diễn biến rất phức tạp gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Tín dụng “đen” là thách thức của thị trường tài chính Việt Nam - 2
Đại diện của hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước đã đến tham dự hội thảo.

“Hoạt động tín dụng đen chủ yếu lợi dụng và núp bóng doanh nghiệp như hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng với phương thức, thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi, phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra để xử lý. Điều này phản ánh một phần khả năng có tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng ngân hàng, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, TS Hà Huy Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Hà Huy Tuấn, thách thức lớn cuối cùng cho thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2019 chính là sự phát triển của công nghệ tài chính trong cuộc cách mạng 4.0. Các vấn đề liên quan đến phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo mật dữ liệu người dùng, nâng cao sự hiểu biết của người sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm tài chính sẽ là những thách thức không nhỏ với ngành tài chính.

Tín dụng “đen” là thách thức của thị trường tài chính Việt Nam - 3
Diễn giả phân tích, “mổ xẻ” các vấn đề kinh tế của Việt Nam.

Triển vọng nào cho thị trường?

Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dự báo năm 2019, mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định do áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động. Đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

Năm 2019, áp lực lên tỷ giá có thể không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Khả năng USD sẽ suy yếu hơn. Một số đơn vị dự báo USD Index có thể giảm giá 2% trong 6 đến 12 tháng tới.

“Lạm phát tổng thể có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá dầu thế giới có xu hướng giảm, do đó giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn để tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ”, TS. Hà Huy Tuấn nói.

Tín dụng “đen” là thách thức của thị trường tài chính Việt Nam - 4
Tín dụng “đen” len lỏi vào cuộc sống người dân và mang đến nhiều hệ lụy

Cũng theo TS. Hà Huy Tuấn, về thị trường chứng khoán, chỉ số VN Index có thể dao động từ 800 - 950 điểm chủ yếu do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như: kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm tăng trưởng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường, xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi tạo đỉnh trung hạn.

Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất sẽ là yếu tố có lợi cho các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, việc đồng USD có thể giảm giá trong năm 2019 là cơ hội để thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài đối với các thị trường chứng khoán mới nổi có các yếu tố cơ bản tốt như Việt Nam.

Đại Việt 

banner_chan-bai.gif