Tiểu thương Sài Gòn vật lộn với dịch dã: Hơn 50 năm chưa từng ế như vậy

Nhân Cơ

(Dân trí) - Hơn 50 năm buôn bán ở khu vực chợ Bà Chiểu, bà Lương chưa thấy lúc nào vắng khách như những ngày của mùa dịch Covid-19 gần đây. "Giờ bán được ngày nào hay ngày nấy", bà tự nhủ.

Trận mưa lớn chiều 15/6 làm chị Thanh Thảo, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM), thêm não nề. Hơn hai tuần giãn cách xã hội tại TPHCM theo Chỉ thị 15 cũng là khoảng thời gian vắng khách nhất trong hơn 10 năm bán hàng của chị. 

Sạp bên cạnh đã đóng cửa, chị để tạm vài thúng trái cây sang. Phía đối diện, một tiểu thương khác nằm ngủ trên chiếc ghế xếp, ngóng khách. Vài tiểu thương xung quanh lướt điện thoại giết thời gian. 

Chưa bao giờ ế ẩm thế

"Đợt này ế hơn mấy đợt dịch trước. Nắng người ta còn đi chợ chứ mưa họ ít đi lắm. Ngày thường 10 khách giờ còn 2 - 3 khách. Có ai mua đâu, buồn quá", chị Thảo ta thán sau cả một giờ đồng hồ không có khách ghé mua hàng.

Chị kể lại, ngày thường nhập 2-3 thùng trái cây, mỗi thùng 20 kg, bán rất chạy. Còn mấy ngày qua chị nhập một thùng nhưng chỉ bán được vài kg, chưa đến phân nửa. Dạo gần đây, mỗi ngày chị nhập hàng tiền triệu nhưng cả ngày bán được vài trăm nghìn "toàn đồng ra chứ không có đồng vào".

Tiểu thương Sài Gòn vật lộn với dịch dã: Hơn 50 năm chưa từng ế như vậy - 1

Chị Thảo ngồi đìu hiu bên sạp trái cây của mình (Ảnh: Nhân Cơ).

"Mình cũng sợ dịch nhưng phải đi bán, đỡ đồng nào hay đồng đó chứ ở nhà tiền đâu ăn. Mong sớm hết dịch còn làm ăn chứ giờ chỉ bán lay lắt qua ngày. Cả chợ vắng, ai cũng ế chứ không phải mỗi mình. Ngày nào dư nhiều quá đem về nhà ăn bớt và cho người nghèo chứ trái cây đổ có tội với trời" - chị tâm sự.

Với chị, còn ngồi bán hàng ở chợ Bà Chiểu đã là may mắn khi so với một số tiểu thương khác bán ở những khu chợ bị phong tỏa do liên quan đến lịch trình di chuyển của các bệnh nhân Covid-19. "Mua trái cây chị ơi", chị Thảo không quên mời chào vài người khách lác đác đi ngang trong lúc trò chuyện.

Cách sạp chị Thảo không xa, bà Lương tranh thủ gọi điện nói chuyện với con gái trong lúc vắng khách. Lên Sài Gòn năm 19 tuổi và bắt đầu buôn bán ở khu vực chợ Bà Chiểu hơn 50 năm nay, bà Lương năm nay ngoài 70 tuổi cho biết, chưa bao giờ ế khách như lúc này.

Vừa trò chuyện, bà Lương vừa kéo cao chiếc khẩu trang quá mũi. Bà kể từng mua kính chống giọt bắn hết 250.000 đồng nhưng dùng  mới được vài ngày đã gãy. 

"Tôi cũng sợ dịch chứ nhưng thôi kệ, đeo khẩu trang cẩn thận với thường xuyên rửa tay là được. Con gái bảo không cho mẹ bán nữa, nhưng tôi nói được ngày nào hay ngày nấy. Mình mà dư dả thì nghỉ ở nhà rồi, thiếu mới ra bán chứ", bà Lương nói thêm sau tiếng thở dài.

Tiểu thương Sài Gòn vật lộn với dịch dã: Hơn 50 năm chưa từng ế như vậy - 2

Bà Lương sửa soạn lại sạp bánh mứt trong lúc vắng khách (Ảnh: Nhân Cơ).

So với giai đoạn bình thường, lượng khách ghé mua hàng của tiểu thương của khu chợ hiện chỉ còn tầm 30%. Những ngày này, bà Lương nhập ít bánh đủ bán trong ngày. "Khách đìu hiu lắm. Đồ nào không hỏng thì mua, cái nào để qua ngày hỏng, tôi chỉ mua đủ bán trong ngày thôi. Lời không bao nhiêu chứ để lỗ mấy triệu bạc là chết, ráng bán đủ tiền hàng là được rồi", bà nói.

Những lúc thưa thớt khách, bà Lương lại niệm Phật cầu mong bình an, sức khỏe cho cả gia đình. "Không có dịch bán cũng được lắm", tiểu thương lớn tuổi này cười.

"Dịch phải chịu thôi"

Bên ngoài chợ, anh Nhật đang ngồi lướt Facebook, cắm thêm pin sạc dự phòng. Nhận giữ xe máy thuê bên cạnh chợ Bà Chiểu, anh kể bình thường "làm không kịp thở", những ngày đông khách phải có một người ghi số, tính tiền riêng, một người dắt xe. Còn những ngày dịch không có khách, anh dùng điện thoại cả ngày cho đỡ chán nên cạn pin liên tục, vài tiếng lại phải sạc một lần.  

"Bình thường xe để tràn ra đường, thu 2 triệu/ngày là bình thường giờ vắng hoe, chắc được 600-700 nghìn, muốn trầm cảm luôn. Tiền mặt bằng thì vẫn vậy, hơn một triệu/ngày. Dịch phải chịu thôi chứ sao giờ", anh Nhật ngán ngẩm nói.

Tiểu thương Sài Gòn vật lộn với dịch dã: Hơn 50 năm chưa từng ế như vậy - 3

Vắng khách gửi xe, anh Nhật dùng điện thoại để giết thời gian (Ảnh: Nhân Cơ).

Hơn 16h tại chợ Tân Định (quận 1, TPHCM), chị Phụng chuẩn bị dọn dẹp đóng cửa sạp quần áo để về sớm. Trước dịch, chị bán hàng đến 18-19h, sạp luôn tấp nập khách ra vào. 

"Không có khách lấy đâu bán. Giờ khách không bằng nửa so với bình thường. Có ngày không bán được đồng nào", tiểu thương kinh doanh quần áo hơn 10 năm ở chợ Tân Định than thở. Tình hình buôn bán ế ẩm khiến chị Phụng cũng không nhập thêm hàng. 

Xung quanh, nhiều sạp vải, áo quần trong chợ đã đóng cửa hơn cả tuần này. Chị Phụng bảo vẫn may mắn vì hàng áo quần có thể để lâu, không bị hỏng thực phẩm tươi sống. 

"Bán không đủ vốn, phải lấy vốn mà ăn. Đâu phải riêng mình, mùa dịch ai cũng vậy nên phải chấp nhận. Giờ mong mau hết dịch cho mọi người dễ làm ăn. Chỉ có mùa dịch là thê thảm nhất", tiểu thương này chia sẻ.

Tiểu thương Sài Gòn vật lộn với dịch dã: Hơn 50 năm chưa từng ế như vậy - 4

Nhiều sạp hàng trong chợ Tân Định tạm đóng cửa (Ảnh: Nhân Cơ).

Những tiểu thương như chị Thảo, bà Lương hay chị Phụng đều mong mỏi được ban quản lý các chợ, chính quyền các cấp hỗ trợ thuế, phí để tồn tại qua mùa dịch. 

Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản đề xuất chủ trương hỗ trợ trực tiếp bằng Ngân sách Nhà nước đối với thương nhân kinh doanh tại các chợ trên địa bàn trước khó khăn của dịch Covid-19. Thời gian hỗ trợ từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay, với mức hỗ trợ theo từng hạng chợ tương ứng bằng 50% mức thu phí chợ tối đa.

Theo đó, TPHCM có 14 chợ hạng 1, mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng. 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng. 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng. Dự toán tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 76 tỷ đồng.

Phạm vi áp dụng của gói hỗ trợ bao gồm tất cả chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, cả chợ đầu tư bằng ngân sách lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách.

Trong lúc chưa kịp biết đến chính sách này, chị Thảo đã làm đơn xin giảm tiền thuế tháng 6 gửi đến ban quản lý chợ. "Mấy trăm nghìn một tháng thôi nhưng giờ không có để đóng, giảm được đồng nào hay đồng nấy", chị tâm sự.