Tiết lộ động lực mới giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 chữ số

Mộc An

(Dân trí) - Theo CIEM, ngành kinh doanh nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP. Bên cạnh lợi ích kinh tế và tiềm năng phát triển, ngành này đang đặt ra nhiều thách thức về quản lý cũng như định hướng phát triển.

Các động lực tăng trưởng truyền thống đã đến mức tới hạn

Tại hội thảo "Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ về mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế số và tăng trưởng GDP. Theo đó, kinh tế số tăng trưởng gấp 3,3 lần tăng trưởng GDP Mỹ giai đoạn 2018-2022.

Tương tự, kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gấp khoảng 3 lần tăng trưởng GDP của Singapore trong cùng thời kỳ. Tại Trung Quốc, kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gấp gần 2 lần tăng trưởng GDP.

Ông Tuấn nhận định, bối cảnh hiện nay trên thế giới và Việt Nam các động lực tăng trưởng truyền thống đã bão hòa, kinh tế số nổi lên như động lực tăng trưởng mới.

Tiết lộ động lực mới giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 chữ số - 1

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông).

Tại Việt Nam, ông Tuấn cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 chữ số trong 20 năm tới là thách thức lớn khi các động lực tăng trưởng truyền thống đã đến mức tới hạn.

Theo đó, nếu không có sự thay đổi lớn về năng suất lao động thì mục tiêu này sẽ rất thách thức khi năng suất lao động Việt Nam vẫn chỉ đứng vị trí thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, phát triển kinh tế số là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới khi Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực này.

Báo cáo nghiên cứu của CIEM cũng cho biết kinh tế số tại Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020 đến 2023 lần lượt là 12,66%, 12,88%, 12,63% và 12,33%. Sang tới nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%, vượt cao hơn tỷ lệ trung bình giai đoạn 2020-2023.

"Đây sẽ là động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu về tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong thời gian tới", Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban nghiên cứu môi trưởng kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định.

Ngoài ra, bà Thảo cho biết kinh doanh nền tảng hiện là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và đóng góp lớn trong lĩnh vực kinh tế số. Ngành này đóng góp khoảng 10% trong GDP. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế năm 2022.

Đặc biệt, đối với 2 vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, dịch vụ kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% và 2,3% GRDP của hai vùng này.

Chuyên gia từ CIEM cũng chỉ ra rằng, với 1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ tác động tới nền kinh tế theo cấp số nhân. Cụ thể, làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên hơn 2,75 tỷ USD, kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế hơn 1,19 tỷ USD, tạo ra 93.734 cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thêm 0,73 tỷ USD.

Những thách thức lớn của kinh doanh nền tảng

Bên cạnh lợi ích kinh tế và tiềm năng phát triển, mô hình kinh doanh nền tảng cũng đặt ra nhiều thách thức với sự phát triển của các nền tảng số xuyên biên giới. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu 8 thách thức lớn với mô hình kinh doanh nền tảng tại Việt Nam hiện nay.

Những thách thức có thể kể đến như chưa có sự thống nhất về khái niệm, chưa có khung pháp lý về kinh doanh nền tảng, sự xáo trộn nền kinh tế khi các nền tảng xuyên biên giới cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước, vị trí của người tham gia vào nền tảng, thực thi thuế, bảo vệ người tiêu dùng và lo ngại cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Khánh lấy ví dụ khi Grab, Uber vào Việt Nam đã tạo nên làn sóng phản đối của tài xế taxi truyền thống hay sự cạnh tranh của Airbnb, Booking trong ngành du lịch cho đến các nền tảng bán lẻ Shopee, Lazada thu hút khách hàng của nhà bán lẻ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.

Tiết lộ động lực mới giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 chữ số - 2

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (Ảnh: Bộ Công thương).

Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới cũng đặt ra bài toán đối với cơ quan quản lý làm sao để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ hiện nay Shopee chiếm 60% thị phần thương mại điện tử dễ có nguy cơ tạo ra hành vi vi phạm cạnh tranh.

Tương tự, với vị thế rất lớn trên thị trường như Grab thì việc triệt tiêu đối thủ là điều dễ dàng. Ông Khánh lấy ví dụ nền tảng này chỉ cần giảm giá trong 6 tháng thì các đối thủ khác đều buộc phải rời thị trường do cạnh tranh quá khốc liệt.

Một thách thức nổi cộm khác là việc thực thi thuế đối với các nền tảng xuyên quốc gia không hề dễ. Nguyên thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng người bán hàng trên sàn Shopee rất dễ để trốn thuế. Ông lấy ví dụ quy định hiện nay mức doanh thu cần phải đóng thuế quy định là 200 triệu đồng mỗi năm thì người bán hàng có thể đăng ký thành nhiều cửa hàng thì sẽ không phải đóng thuế.

Về phía các nền tảng xuyên quốc tế cũng gặp thách thức để tuân thủ luật và thực thi thuế. Ông Trần Quốc Khánh cho biết để Grab, Shopee nếu muốn tuân thủ đúng luật thì buộc phải mở hệ thống công nghệ cho cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi. Điều này lại ảnh hưởng đến những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Khánh cho rằng các vấn đề này không dễ giải quyết và hiện còn nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới. Ông cho biết, cần sớm xây dựng khung pháp lý tổng quát, định nghĩa tổng quát về mô hình kinh doanh nền tảng.

Trong phiên thảo luận, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM và ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - có chung quan điểm. Hai chuyên gia cho rằng cần có một triết lý chung quản lý trước khi đưa ra các khung pháp lý cụ thể cho mô hình kinh doanh nền tảng.

Các chuyên gia cho biết không nên có tư duy tạo ra rào cản đối với nền tảng đa quốc gia. Điều này sẽ khiến tăng chi phí gia nhập thị trường đối với chính doanh nghiệp, startup Việt Nam. Thay vào đó, ông Cung và ông Thịnh kiến nghị đưa ra những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và startup Việt Nam có thể gia nhập và phát triển, gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường.