Hội nghị CG 2011

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

(Dân Trí) - Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm tới. Vì vậy, sự tư vấn hỗ trợ của tổ chức quốc tế hết sức quan trọng và cần tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa được khai mạc sáng nay (9/6) tại Hà Tĩnh.
 
Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - 1
 
Những chuyển biến tích cực

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc hiện thực hóa Nghị quyết 11 với 6 nhóm giải pháp đã giúp kinh tế Việt Nam  có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ; lãi suất huy động VND ít biến động; thị trường ngoại hối và tỷ giá diễn biến theo hướng tích cực; hoạt động của hệ thống tài chính tín dụng vẫn an toàn; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh cũng đưa ra những điểm sáng đáng chú ý như: thu chi ngân sách đạt kết quả khá, bảo đảm các nhu cầu chi và trả nợ của Chính phủ, 5 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng giá tiêu dùng đang có xu hướng dịu dần; giá vàng và tỷ giá ngoại tệ đều giảm. Đáng nói nhất đó là dù bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt nhưng tốc độ GDP 6 tháng đầu năm 2011 đạt 6,16%.

 

Nhiều đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế. Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc ổn định thị trường ngoại hối. Điều này đã giúp Việt Nam giảm lợi tức rủi ro ngoài nước với chênh lệch lãi suất trong nước và thu hẹp chỉ số hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) khoảng 100 điểm cơ bản từ đỉnh cao hơn 400 điểm cơ bản trong tháng 2 năm nay.
 
Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - 2

 

Hàng loạt thách thức cần sự hỗ trợ của nhiều phía

 

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các bộ, ngành cũng như nhận định của các tổ chức quốc tế, những con số ấn tượng nói trên chưa đủ giúp Việt Nam thoát ra khỏi khó khăn để hướng tới một nền kinh tế bền vững.

 

Phía NHNH cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt theo Nghị quyết 11 chưa mạnh mẽ để đạt hiệu quả trong việc giảm tổng cầu nhằm kiểm soát lạm phát đang có xu hướng tăng cao…

 

Còn Bộ KH&ĐT thì cho rằng, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm; chức năng sở hữu vốn Nhà nước còn phân tán, chồng chéo trách nhiệm nên hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả.
 

Trong khi đó, đại diện của IMF cảnh báo, lạm phát của Việt Nam vẫn còn đang trong xu hướng tăng lên, hiện đạt gần 20% so với cùng kỳ tháng 5/2010 và có khả năng tăng cao hơn nữa trước khi bắt đầu giảm vào cuối năm nay. Tiếp đến là những mối quan ngại về “sức khỏe” của khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp, mối quan ngại về tiền đồng tiếp tục chịu áp lực từ nhiều phía.

 

IMF cảnh báo, nếu Chính phủ Việt Nam không đạt được mục tiêu về 6 nhóm giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết 11 đã ban hành thì niềm tin của người dân sẽ giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

 

Tiếp tục hợp tác linh hoạt và chặt chẽ

 

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - 3
 
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để có được những thành công nhất định trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua, ngoài những nỗ lực không ngừng của chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 11 thì Việt Nam đã phát huy tối đa, sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế.

 

“Nguồn tài trợ này có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo điều kiện cho Việt Nam từ một nước nghèo sang một nước bắt đầu phát triển”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

 

Khẳng định nguồn tài trợ rất quan trọng nhưng Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các chương trình tư vấn của các tổ chức quốc tế cũng không thua kém gì tiền bạc mà các nước mang tới Việt Nam.

 

Phó thủ tướng cho rằng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội không chỉ được được xem là nhiệm vụ quan trọng vào lúc này mà còn cả nhiều năm tới. Vì vậy sự tư vấn hỗ trợ Việt Nam của các tổ chức quốc tế là hết sức quan trọng và cần tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.

 

Trả lời câu hỏi của các tổ chức quốc tế về sự hợp tác sắp tới Phó thủ tướng nói: “Sự hợp tác của chúng ta cũng phải bàn theo hướng tiếp tục, tiếp tục một cách linh hoạt, chặt chẽ. Các bạn hỗ trợ tư vấn chúng tôi làm sao đầu tư công một cách có hiệu quả, giảm bội chi ngân sách nhà nước, tiếp tục tìm mọi biện pháp để giải quyết các chỉ tiêu vĩ mô khác, đồng thời phải hỗ trợ sản xuất cho tầng lớp nông dân để vượt qua khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội”.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cam kết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các chương trình phát triển kinh tế, loại bỏ những tồn tại, khắc phục những vướng mắc, đẩy mạnh hiện đại hóa nông thôn, mạnh mẽ hơn nữa cổ phần hóa DNNN, đánh giá đúng các thách thực cả trong và ngoài nước; nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài; minh bạch các nguồn đầu tư... Mục tiêu của Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.   

 

Văn Dũng