Tiền tỷ của dân Việt bốc hơi vì chiến sự Syria

Các thị trường tài sản trong nước biến động lên xuống khá mạnh theo diễn biến trên thế giới trước áp lực căng thẳng liên quan đến Syria. Nhiều loại hàng hóa tăng giảm trái chiều rất nhanh và có thể còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới sẽ khiến nhiều DN và nhà đầy tư mất tiền tỷ.

Vàng, USD, chứng khoán run sợ

 

Ngay sau đợt nghỉ lễ, giá vàng trong nước sáng 3/9 tiếp tục giảm giá theo thế giới trong bối cảnh vàng quốc tế giảm về sát 1.390 USD/oz. Vàng trong nước giảm 60-70 ngàn đồng mỗi lượng xuống khoảng 38,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,3 triệu đồng/lượng (bán ra).

 

Vàng trong nước tiếp tục giảm giá trong bối cảnh giá vàng thế giới đang bước sang ngày giảm thứ tư liên tục do Mỹ trì hoãn tấn công quân sự vào Syria.

 

Trước đó, giá vàng trong nước đã tăng vọt trở lại hướng tới ngưỡng 39 triệu đồng/lượng theo bước tăng chóng mặt của vàng thế giới từ mức trên 1.300 USD/oz vọt lên trên 1.400 USD/oz khi chính quyền Obama lên kế hoạch tấn công Syria và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng.

 

Với biến động lên xuống cả 100 USD/oz trong thời gian gần đây. Với tổng giá trị của 500-1.000 tấn vàng trong dân của người Việt cũng lên xuống, được mất khoảng 1,6-3,2 tỷ USD.

 

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng 3/9 cũng ổn định trở lại ở mức khoảng 21.200 đồng (mua vào) và 21.240 đồng (bán ra) sau khi biến động tăng mạnh trong thời gian có thông tin Mỹ chuẩn bị tấn công Syria.

 

Hiện tại, mức nợ công của Việt Nam khoảng 70 tỷ USD (theo Bộ Tài chính) và khoảng 130 tỷ USD (theo một số chuyên gia), mỗi bước tăng giảm của đồng USD cũng kéo theo khá nhiều hệ lụy, hoặc gánh nợ trên từng đầu người dân sẽ tăng lên hoặc nếu giảm đi thì xuất khẩu lại gặp khó.

 

Trên TTCK sáng 3/9, nhiều cổ phiếu hồi phục trở lại trong đó có một số mã blue-chips bị khối các NĐT nước ngoài bán mạnh trong tháng 8 như VNM, BHV, CTG... đã kéo VN-Index tăng điểm trở lại lên trên 474 điểm.

 

Trước đó, chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giảm sâu do khối ngoại bán ròng khá mạnh và giới đầu tư trong nước lo ngại về những vấn đề ở Syria.

 

Trong ngày 28/8, TTCK Việt Nam giảm mạnh thứ 2 trong khu vực châu Á với VN-Index rớt 12,27 điểm (-2,53%) xuống 473,3 điểm. Sự sụt giảm về giá của nhiều cổ phiếu chủ chốt đã khiến tốp những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam mất hàng nghìn tỷ đồng. Riêng trong phiên ngày 28/8, tốp 5 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam mất gần một nghìn tỷ đồng.
 
Còn nhiều phen đau tim

 

Còn nhiều phen đau tim

 

Giá nhiều loại tài sản trong nước đang diễn biến hết sức khó lường do chịu ảnh hưởng của thế giới rất lớn. Với vàng và USD, trong cả ngắn và dài hạn, việc giá tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chính sách tiền tệ của Fed (Mỹ) và tình hình ở Trung Đông.

 

Mặc dù Mỹ đã hoãn tấn công Syria nhưng những thông báo của Chính phủ Mỹ trong vài ngày qua cho biết Mỹ có bằng chứng cụ thể về việc Chính phủ Syria đã tấn công vũ khí hóa học vào quân phiến loạn. Đây là lý do khiến thị trường dự đoán về khả năng Mỹ sẽ tấn công Syria tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu mua vàng làm tài sản trú ẩn tăng trở lại và giá vàng sẽ tăng lên.

 

Trước mắt, thị trường đang tiếp tục chờ đợi diễn biến mới nhất từ Syria. Chính phủ Mỹ đang chờ quốc hội nên về kế hoạch tấn công Syria chưa thể được thực thi, đặc biệt là khi quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch tấn công Syria. Đây có lẽ là lý do khiến giá vàng giảm mạnh trong vài phiên qua nhưng tính chung trong tháng 8 vẫn tăng 6,3%.

 

Trên thực tế, trong khoảng một năm gần đây, vàng đã không còn là lựa chọn hàng đầu bởi sau hơn 10 năm tăng giá liên tục vàng đã có bước điều chỉnh mạnh trong thời gian qua. Giá vàng đã từ mức đỉnh cao 1.900 USD/oz rớt trở về ngưỡng 1.300 USD/oz. Giá vàng trong nước được dự báo sẽ bám sát theo vàng thế giới với mức chênh sẽ không lớn như cuối 2012 đầu 2013.

 

TTCK Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của thế giới lớn không kém so với vàng, USD. Trong phiên giao dịch ngày 28/8, sự lo ngại về khả năng Mỹ tấn công Syria đã khiến rất nhiều NĐT nội và ngoại đẩy mạnh bán ra cổ phiếu khiến TTCK Việt Nam đỏ rực như chứng khoán toàn châu Á. TTCK Philippines thậm chí còn rớt hơn 5% ngay trong buổi sáng.

 

Tính trong tháng 8, khối ngoại đã bán ròng hơn 880 tỷ đồng do một số quỹ rút vốn và ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới với những lo ngại về khu vực Trung Đông. Hiện tượng chốt lời hay rút vốn đã xảy ra trên sàn chứng khoán TP.HCM nhưng với sàn Hà Nội, tháng 8 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm khối ngoại bán ròng.

 

Trước đó, trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 1.770 tỷ đồng trên sàn TP.HCM trong bối cảnh TTCK tăng mạnh trong gần 5 tháng đầu năm và nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp phát ra những tín hiệu hồi phục chậm chạm.

 

Lịch sử cũng như nhiều dự báo gần đây cho thấy, nếu khu vực Trung Đông bất ổn, TTCK thế giới khó lòng thoát khỏi thảm cảnh rớt dài. Gần đây, sự liên thông của chứng khoán Việt Nam với thế giới khá lớn, ảnh hưởng của khối ngoại đối với thị trường ngày càng gia tăng. Do đó, áp lực bán ra của các NĐT ngoại có thể kéo chứng khoán Việt Nam xuống sâu hơn nữa, bất chấp VN-Index đã rớt khá nhiều so với hồi tháng 5/2013.

 

Trong trường hợp Mỹ tấn công Syria, giá dầu chắc chắn sẽ được đẩy lên không ngừng cho dù Syria không phải nước sản xuất dầu mỏ quan trọng. Giới đầu tư chắc chắn sẽ lo ngại điểm nóng Syria sẽ gây bất ổn cho cả khu vực Trung Đông - rốn dầu của thế giới. Và khi đó, giá xăng dầu ắt sẽ chịu nhiều tác động và yêu cầu tăng giá lại được nêu lên.

 

Theo Mạnh Hà

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm