1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

65.000 tỷ đồng “bốc hơi” sau 10 phiên đen tối

(Dân trí) - Chứng khoán Việt Nam đang ngày càng cho thấy sự phụ thuộc lớn vào tính dẫn dắt của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 tuần liên tục bị khối ngoại làm chao đảo, xấp xỉ 3 tỷ USD đã không cánh mà bay khỏi thị trường.

65.000 tỷ đồng “bốc hơi” sau 10 phiên đen tối
Sau chuỗi "khủng hoảng" hai tuần liền, triển vọng các phiên giao dịch tháng 9 của VN-Index vẫn đang khó đoán định.

 Chứng khoán Việt Nam đã trải qua những ngày đen tối nhất trong tháng 8 với chuỗi giảm kéo dài gần 2 tuần giao dịch liên tiếp từ 19/8 đến 30/8 với 7 phiên giảm và 2 phiên tăng, trong đó biên độ các phiên giảm lớn hơn nhiều so với 2 phiên hồi phục.

Đóng cửa phiên cuối tuần 30/8, mặc dù VN-Index đã lấy lại được 4,15 điểm tương ứng 0,89% song với thanh khoản lẹt đẹt mức thấp, gần như chưa có một dấu hiệu nào cho xu hướng phục hồi trở lại sau kỳ nghỉ lễ 2/9.

Thống kê của Dân trí dựa trên dữ liệu HSX cho thấy, trong vòng hai tuần, từ phiên đóng cửa 19/8 đến phiên giảm gần nhất là 29/8, trong vòng 10 ngày, VN-Index đánh mất 42,5 điểm tương ứng 8,3%. Vốn hóa thị trường (market cap) tại thời điểm đóng cửa phiên 29/8 so với phiên 19/8 mất 65.320 tỷ đồng (tương ứng khoảng 3,11 tỷ USD).

Kể cả khi đã phục hồi nhẹ vào phiên cuối tháng 30/8 thì so với thời điểm ngày 19/8, VN-Index cũng mất 38,32 điểm so với phiên 19/8 tương ứng mất 7,4%. Vốn hóa thị trường mất 58.556 tỷ đồng (tương ứng khoảng 2,8 tỷ USD).

Khối ngoại rút ròng 10 phiên liên tục

Không khó để tìm ra nguyên nhân chuỗi giảm dài của thị trường trong thời gian vừa qua. Mặc dù chỉ chiếm khoảng dưới 15% tổng giao dịch song động thái mua – bán của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài luôn có sức tác động mạnh về tâm lý và đóng vai trò dẫn dắt hành vi thị trường.

Hoạt động bán ròng 10 phiên liên tiếp trong suốt 2 tuần giao dịch vừa qua của khối ngoại đã khiến cả thị trường chao đảo.

(Biểu đồ: Stockbiz).

(Biểu đồ: Stockbiz).

Thống kê cho thấy, trong hai tuần từ 19-30/8, khối ngoại đã thực hiện bán ròng tổng cộng trên 31 triệu cổ phiếu, trị giá bán ròng 824 tỷ đồng. Trong đó, phiên 29/8 là phiên có khối lượng bán ròng lớn nhất với gần 9 triệu đơn vị, khối lượng bán chiếm 29,1% thị trường và trị giá bán ròng gần 200 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 40,56%.

Hoạt động xả hàng của khối ngoại đã tác động tiêu cực lên tâm lý cũng như hành vi của các thành viên tham gia thị trường. Những cố phiếu bị khối ngoại bán ròng đều giảm điểm mạnh và hành vi bán chốt lời/cắt lỗ cũng lan sang hàng trăm mã khác, nhất là khi mua báo cáo tài chính quý II khép lại với kết quả hầu hết không mấy khả quan về triển vọng cuối năm. Thêm vào đó, những diễn biến bất lợi về thông tin vĩ mô trong và ngoài nước đã tạo ra những đợt cộng hưởng, giáng những đòn mạnh xuống chỉ số!

Danh sách những mã bị bán ròng trong tuần qua hầu hết là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng thời gian trước đó và phần lớn là những chứng khoán đầu tư chứ không phải đầu cơ.

Tuần 19-23/8, VNM (Vinamilk) dẫn đầu danh sách với giá trị bán ròng lên đến 141 tỷ đồng. Kế đến là BVH (Bảo Việt) với 60 tỷ đồng; VCB (Vietcombank) với 39 tỷ đồng; MSN (Ma San) với 32,6 tỷ đồng; PPC (Nhiệt điện Phả Lại), STB (Sacombank) trên 23 tỷ đồng; GAS (TCT Khí Việt Nam) với gần 22 tỷ đồng…

Trong tuần 26-30/8, khối ngoại lại tập trung bánh ròng mạnh tại VCB với 59,6 tỷ đồng, BVH với 46,8 tỷ đồng, CTG với 44,1 tỷ đồng và VIC với 41,6 tỷ đồng trong khi mua ròng nhẹ VNM.
 
Khó đoán định

Tại báo cáo vĩ mô 8 tháng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này dẫn số liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, số vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán vào khoảng 7 tỷ USD.

Việt Nam vốn được đánh giá là một trong những thị trường sơ khai tiềm năng nhất thế giới. Là một trong những nước có hệ số P/E thấp nhất khu vực, hay là thị trường có giá cổ phiếu rẻ nhất thế giới, mức sinh lợi cao, đến 1/8/2013, Việt Nam vẫn đang được nằm trong nhóm những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng mạnh nhất châu Á – tăng khoảng 18% (tính theo USD) kể từ đầu 2013 và tăng 19% theo VND.

Do vậy, hoạt động bán ròng liên tục của khối ngoại thời gian vừa qua một phần được lý giải do mục đích chốt lời của nhóm nhà đầu tư này, nhất là khi nhiều mã đã tăng trưởng trên 100%.

Trong khi đó, những thông tin xấu về tình hình chính trị - kinh tế toàn cầu thời gian vừa qua cũng đã tác động đến khối ngoại. Nhóm đầu tư này chủ yếu nắm nhiều bluechip – hầu hết là các mã có thanh khoản cao trên thị trường. Do vậy, khối ngoại đã chọn phương án rút về phòng thủ.

Trước mắt, thị trường sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khả năng FED tiến hành cắt giảm gói nới lỏng định lượng, nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi. Nguy cơ Mỹ và đồng minh tấn công quân sự Syria tiếp tục là mối bận tâm của giới tài chính toàn cầu. Ngoài ra, việc tái cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ ETF trong tháng 9 cũng là một áp lực lớn lên thị trường.

Tại báo cáo phân tích, các công ty chứng khoán gần như đều không dám đưa ra một khẳng định nào về kịch bản có thể diễn ra trong tuần tới. Tuy vậy, khuyến nghị chung là các nhà đầu tư cần giữ quan điểm thận trọng trong việc bắt đáy ở các phiên kế tiếp, đặc biệt là đối với các cổ phiếu bluechips.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm