1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán toàn cầu "đỏ lửa" trước lo ngại Mỹ đánh Syria

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa sáng nay đã ngập trong sắc đỏ, tiếp nối đà đi xuống trên thị trường Mỹ và châu Âu hôm qua. Các nhà đầu tư dường như đang rút về thủ thế trước thông tin Mỹ sẵn sàng tấn công Syria.

Ngay sau khi mở cửa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã mất 2%. Chỉ số S&P ASX 200 của Australia sụt xuống mức thấp nhất 3 ngày qua. Trong khi đó các chỉ số Shanghai Composite, Hang Seng của Hồng Kông và Kospi của Hàn Quốc cũng cùng chung sắc đỏ.

Diễn biến tại Syria đang tác động tới thị trường chứng khoán tòan cầu
Diễn biến tại Syria đang tác động tới thị trường chứng khoán tòan cầu

Tính đến 10 giờ 52 phút sáng nay (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei của Nhật đã lùi về 13.240 điểm, giảm 2,3% và là mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Ngoài nỗi lo về căng thẳng tại Trung Đông, việc đồng yên mạnh lên trên mức 98 yên đổi một USD cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư e ngại.

Giảm mạnh nhất trên thị trường Nhật là giá cổ phiếu của các hãng xe Mitsubishi Motors và Suzuki Motors, cùng trượt 4%, theo sau là hãng thiết bị xây dựng Komatsu và hãng điện tử Sony, cùng mất hơn 3%.

Trước đó, thị trường chứng khoán phố Wall đã có phiên tệ nhất kể từ tháng 6 khi cả 3 chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều trượt mạnh, lần lượt 1,14%, 1,59% và 2,16%. Hiện Dow Jones và S&P 500 đang hướng tới tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2012.

Theo ghi nhận của kênh tài chính CNBC, toàn bộ các ngành chủ chốt của S&P đều chìm trong sắc đỏ, trong đó đi đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính.

Tình hình tương tự cũng được ghi nhận trên thị trường chứng khoán châu Âu phiên hôm qua. Chỉ số FTSEurofirst 300 theo dõi các cổ phiếu toàn châu Âu đã đóng cửa với mức giảm khoảng 1,5%.

Tại các đầu tầu kinh tế của châu Âu như Anh, Đức, Pháp, thị trường trường chứng khoán đều ngập sắc đỏ. Chỉ số FTSE của Anh giảm 0,79%, DAX của Đức mất 192,59 điểm, tương đương 2,28%, CAC 40 của Pháp cũng lùi 2,42%.

“Thị trường chứng khoán toàn cầu dường như đang chuẩn bị có những biến động rất mạnh mẽ trong những tháng tới. Cảm giác về cuộc khủng hoảng Syria chính là “tia lửa” mà các thị trường đang trông đợi.

Trước đó đã có một số yếu tố được biết trước sắp tác động đến thị trường như việc Mỹ giảm chương trình kích thích kinh tế, bầu cử tại Đức, bầu cử tại Australia và khả năng về tình trạng căng thẳng thanh khoản tại các thị trường mới nổi”, Evan Lucas, nhà chiến lược thị trường tại công ty IG khẳng định với kênh tài chính CNBC.

Căng thẳng tại Trung Đông

Lo ngại về hành động quân sự của Mỹ chống lại Syria đã khiến nhiều nhà đầu tư vội vã rời bỏ thị trường chứng khoán. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định quân đội Mỹ đã “sẵn sàng lên đường” nếu Tổng thống Barack Obama ra lệnh có hành động sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.

Trong khi đó kênh NBC News cho biết Mỹ có thể thực hiện một vụ tấn công vào quốc gia Trung Đông này “sớm nhất là vào thứ Năm này”.

Tại Anh, thủ tướng nước này ông David Cameron đã quyết định triệu tập thành viên nghị viện trở về từ kỳ nghỉ Hè, để thảo luận những phản ứng có thể đáp trả sau vụ tấn công hóa chất hôm thứ 5 tuần trước tại Syria. Chính phủ Anh cho biết các lực lượng vũ trang đang lên kế hoạch ứng phó quân sự.

Tổng thống Pháp Francois Hollande thì tuyên bố vụ tấn công hóa học này không thể bị cho qua. Hôm thứ Hai, ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì khẳng định ông tin chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Art Cashin, giám đốc sàn giao dịch tại UBS Financial Services cho biết ông cảm thấy lo ngại về tình hình tại Syria, gọi đó là “một biến số rộng lớn nữa”.

“Tôi biết một số người đang không xem đó là nguyên cớ cho một thị trường có chiều hướng đi xuống, nhưng tôi nghĩ nếu mọi người nhìn vào những thứ như khoảng cách chênh lệch giữa dầu thô Brent và dầu thô WTI đang nới rộng ra, điều đó cho thấy những lo ngại thực sự”, ông Cashin nói.

Nick Lewis, trưởng bộ phận quản trị rủi ro của London Capital Group cũng nhận định: “Syria đã trở thành mối quan tâm chính của thị trường. Áp lực chính trị ngày càng lên cao trong việc Mỹ can thiệp vào đây đã khiến các thị trường tại Mỹ đi xuống và châu Âu sẽ theo sau”.

Trong phiên hôm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đã lên trên 109 USD/thùng, mức tăng trong ngày mạnh nhất trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại hành động quân sự tự Trung Đông có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu.

Trong khi đó, giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giam nhẹ từ mức 2,76% xuống 2,79%. Giá vàng lại tăng mạnh lên mức cao nhất 15 tuần qua, do các căng thẳng địa chính trị khiến nhà đầu tư tìm đến các công cụ đầu tư an toàn hơn.

Thanh Tùng
Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm