Tiền tại ngân hàng "bốc hơi": "Mất bò mới lo làm chuồng"!

(Dân trí) - Sau hàng loạt vụ khách hàng liên tục “tố” mất tiền trong tài khoản thẻ của các ngân hàng Vietcombank, DongA Bank, VPBank… nhiều ngân hàng đã khẩn trương điều chỉnh nhiều dịch vụ của mình. Trong đó, việc bảo mật thông tin của khách hàng được đề cao hơn bao giờ hết.

"Mất bò mới lo làm chuồng"

Thời gian gần đây, việc mất tiền trong tài khoản thẻ ATM trở nên phổ biến. Như trường hợp của anh Nguyễn Sĩ Thanh (ngụ Dĩ An, Bình Dương) tá hỏa khi 74 triệu đồng trong thẻ ATM mà anh mở tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã... “không cánh mà bay”.

"Khi phát hiện tiền bị mất, tôi gọi điện đến tổng đài Ngân hàng Đông Á để báo cáo vụ việc và nhờ khóa thẻ. Bao nhiêu tiền tôi để dành được đều đã “tiêu tan”. Mất tiền nên khốn khó đã đành, giờ tôi lại còn sốt ruột, mất niềm tin hơn vào Ngân hàng Đông Á”, anh Thanh nói.

Anh Thanh buồn bã khi 74 triệu đồng trong ATM DongA Bank bị bốc hơi
Anh Thanh buồn bã khi 74 triệu đồng trong ATM DongA Bank bị "bốc hơi"

Hay như trường hợp của Vũ Thành Phương (ngụ TPHCM), 18 triệu đồng trong tài khoản thẻ của một ngân hàng mà anh mở thẻ bỗng dưng “bốc hơi” vào lúc rạng sáng 18/6. Theo anh Phương, kẻ xấu đã thực hiện 14 giao dịch thanh toán bằng thẻ Master debit của anh để thanh toán cho Resort Tokyo Disney Resort Chiba JPN và một thanh toán nhỏ tại Marriott HTL và Bookhaven Ny (tại Nhật Bản). Điều đáng nói là số tiền trong thẻ bị rút sạch mặc dù thẻ này vẫn đang “yên vị” tại nhà chủ.

Rõ ràng, những sự cố như trên đã khiến không ít khách hàng lo lắng, mất niềm tin. Do đó, nhằm “trấn an” dư luận, củng cố niềm tin từ phía đối tác, một số ngân hàng đã nhanh chóng đề ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng tiền của khách hàng "bốc hơi".

Ngay sau vụ việc khách hàng Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội) bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản, Vietcombank cho biết đã rà soát tổng thể và điều chỉnh hàng loạt chính sách cung cấp dịch vụ. Theo đó, Vietcombank điều chỉnh hạn mức chuyển tiền trên ngân hàng điện tử (Internet banking); áp dụng phương thức kích hoạt dịch vụ Smart OTP (phương thức xác thực giao dịch trực tuyến) thông qua việc đăng ký trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng thay vì qua điện thoại hoặc email.

"Phần mềm Smart OTP đã được bổ sung nội dung thông báo này để tạo thuận lợi về tiếp cận thông tin cho khách hàng", đại diện Vietcombank cho biết.

Sau vụ 26 tỷ đồng của một nữ doanh nhân tại TPHCM "bốc hơi", VPBank cũng lên tiếng cam kết "bảo lãnh" sự an toàn về tài sản cho khách hàng của ngân hàng này.

Tăng cường bảo mật thông tin

Từ việc bị mất tiền oan, anh Vũ Thành Phương đã tự rút kinh nghiệm cho bản thân và đưa ra những lời khuyên giúp giảm thiểu việc mất tiền trong tài khoản thẻ ATM.

“Hạn chế dùng Credit (vì khi có sự cố thì kẻ xấu sẽ lấy hết tiền) hoặc nếu có thể thì hãy dùng debit. Đồng thời mỗi người cũng cần tạo thêm 1 tài khoản khác (tài khoản này không mở thẻ) chỉ để giữ tiền và có thể chuyển khoản sang debit khi cần. Đặc biệt, chúng ta cũng nên đổi thẻ debit và credit hiện hữu (đổi pass không làm tăng mức an toàn lên bao nhiêu) vì bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo khi tài khoản có nguy cơ bị lộ", anh Phương nói.

Không chờ "mất bò mới lo làm chuồng", một số ngân hàng cũng đã chủ động đưa ra những khuyến cáo về việc bảo mật thông tin đối với khách hàng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) khuyến cáo khách hàng không nên truy cập vào đường link gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội… mà chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến tại website chính thức của ngân hàng.

Ngoài ra, khách hàng không nên cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập tài khoản... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Không chỉ thế, ACB cũng khuyến cáo người dùng không nên lưu tự động các thông tin đăng nhập khi thực hiện các giao dịch trực tuyến và phải nhớ đăng xuất khỏi chương trình khi không sử dụng. Đồng thời, ngân hàng này cũng cho rằng, khách hàng nên đăng kí dịch vụ nhận tin nhắn thông báo thay đổi số dư tự động của ngân hàng để giám sát các biến động trên tài khoản cá nhân.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, để tăng cường tính bảo mật, ngân hàng cần phải đầu tư cho công nghệ thông tin, tạo tường lửa, rà soát lại các quy trình thực hiện, đào tạo và giám sát nhân sự. Về phía khách hàng, mỗi người cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như cài đặt phần mềm chống mã độc hại, thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…

Sau hàng loạt vụ khách hàng "tố" mất tiền trong tài khoản ATM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình đảm bảo tuân thủ đúng quy định của NHNN. Khi xảy ra các rủi ro, các ngân hàng phải phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lí nhanh, chính xác, đúng qui định và sớm thông tin cho khách hàng. Đồng thời, nếu có vướng mắc cần phản ánh về NHNN để phối hợp xử lý.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu, đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các tổ chức nói trên cần nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng cường an ninh, bảo mật cho hệ thống thanh toán trực tuyến.

Công Quang