Tiến độ dự án “rùa bò” do doanh nghiệp “bận” kiếm chác, bôi trơn?
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, nhiều dự án doanh nghiệp chậm chạp do tìm cách này tìm cách kia để kiếm chác, bôi trơn. Gần đây, dự án 2 lần bôi trơn ở Việt Nam nhưng lại phát hiện ở Nhật Bản...
Đó là dẫn chứng của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) trong phiên thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngày 28/5.
“Bôi trơn” ở Việt Nam, phát hiện ở Nhật Bản
Vị đại biểu này đồng tình với việc ban hành luật PPP hằm tạo khung pháp lý đủ mạnh, loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, góp phần làm giảm gánh nặng chi phí ngân sách cho đầu tư công tư và rủi ro thất thoát vốn, đồng thời đề nghị bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án về thời hạn và nội dung thông tin, công khai thông tin rõ các vấn đề chi phí.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, từ thực tế chúng ta rất ghi nhận vai trò của các dự án, vai trò đóng góp của doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách của quốc gia chưa đủ để đầu tư các dự án, tuy nhiên vấn đề đầu tư các dự án cũng cần phKiải quan tâm, lưu ý. Trong dư luận cũng cho rằng nhiều dự án nhiều doanh nghiệp chậm chạp do những cá nhân tìm cách này tìm cách kia để kiếm chác, bôi trơn.
“Gần đây nhất là một dự án của Nhật Bản bôi trơn lần thứ nhất 2,2 tỷ, lần thứ hai 3,3 tỷ mà mình không phát hiện được, nhưng về Nhật thì Nhật phát hiện được. Tôi thấy trong tất cả các dự án hiện nay cần thiết phải có Kiểm toán nhà nước vào để kiểm tra và giám sát” - đại biểu Phương dẫn chứng và cho rằng cần có khung pháp lý ổn định, đảm bảo được sự tham gia của các cấp, các ngành.
Ông Phương nhấn mạnh cần đặc biệt phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư, cạnh tranh công khai, minh bạch, vừa thu hút được vốn đầu tư một cách minh bạch.
“Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân thì bình an vô sự, quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng” - đại biểu đoàn Quảng Bình cho hay.
Dễ dãi đổi đất vàng!
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu lên thực trạng các dự án BT thời gian để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, thường nhà đầu tư tranh thủ cơ quan thẩm quyền để được chỉ định thầu các dự án mà nhà nước cần, trong khi nguồn vốn nhà nước có hạn.
“Nên để nhà đầu tư xây dựng xong, chuyển giao cho nhà nước quản lý, sử dụng, như trụ sở cơ quan, công viên, đường giao thông… Nhà nước hoàn lại cho nhà đầu tư thông thường là bất động sản, những nơi được xem là khu đất vàng, giá trị cao gấp nhiều lần, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước” - đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ băn khoăn.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị không quy định áp dụng dự án loại hợp đồng BT, vì dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP.
“Nếu nhà nước thiếu vốn thì đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có để có vốn đầu tư công vào các dự án mình cần phục vụ cho mục đích công cộng, thay vì giao cho nhà đầu tư BT xây dựng rồi chuyển giao đất mà không qua đấu giá cho nhà đầu tư, dễ tiêu cực, gây dư luận xấu” - nam đại biểu kiến nghị và cho rằng chủ đầu tư công của nhà nước hiện nay là các Ban quản lý dự án đủ năng lực để thực hiện dự án, không cần áp dụng hợp đồng BT.
Công trình đắt, giá trị rẻ?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm về việc lựa chọn nhà thầu quốc tế. Ông đánh giá đây là việc rất cần thiết đưa vào luật nội dung này để hạn chế các nhà đầu tư đến từ những quốc gia đã có nhiều dự án không hoàn thành, dây dưa đội vốn, chậm tiến độ.
“Bài học rút ra từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đội vốn từ 552 triệu USD đến hơn 868 triệu USD, chậm tiến độ gần cả thập kỷ là những bài học đắt giá” - ông Trí nêu bằng chứng và cho biết ông đã đề cập tại kỳ họp thứ 8 Chính phủ việc cần phải chấm điểm nhà đầu tư và các quốc gia có nhà đầu tư để đưa vào danh sách đen những nhà đầu tư đến từ các quốc gia của nhiều công ty làm ăn không nghiêm ở Việt Nam.
“Chúng ta cần có những nhà đầu tư PPP nhưng đó là nhà đầu tư đúng đắn, nghiêm túc và trách nhiệm” - ông Trí cho biết.
Giải trình về những vấn đề còn nhiều ý kiến, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật PPP Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: Yêu cầu của luật này phải đảm bảo được 3 yếu tố.
Thứ nhất là, phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của nhà nước. Thứ hai là, vẫn phải đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn, hấp dẫn để mà thu hút được các nhà đầu tư. Thứ ba là, phải tiệm cận, tiếp cận được các thông lệ tốt của quốc tế.
“Nếu chúng ta chỉ nghiêng về vấn đề của nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia với chúng ta. Nếu chúng ta cũng chỉ nghiêng về vấn đề của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của nhà nước thì cũng không xong, không được” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Đối với dự án BT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là một vấn đề trong quá trình soạn thảo có rất nhiều các ý kiến khác nhau, có một luồng ý kiến nên cho tiếp tục và một luồng ý kiến không nên tiếp tục làm dự án BT.
“Hiện nay BT không còn hình thức trả bằng tiền, chỉ còn mỗi hình thức trả bằng đất. Cho nên, trong quá trình thực hiện vừa qua cũng có rất nhiều các hạn chế, khiếm khuyết. Vấn đề này cần phải cân nhắc kỹ, nếu có thiết kế theo hình thức BT trong luật này thì chúng ta cũng phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ như một đại biểu đã nói để chúng ta không thể có một công trình đắt, với một giá trị đất chúng ta đổi lại rẻ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội.
Châu Như Quỳnh