Tiền chảy vào chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) khép lại tuần đầu giao dịch sau Tết Nguyên đán với nhiều tín hiệu tích cực. Dòng tiền ồ ạt vào thị trường vượt ngoài các dự báo trước đó.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 13.528 tỷ đồng. VN-Index tiến gần mức đỉnh lịch sử, hiện quanh ngưỡng 1.170 điểm.

Tiền chảy vào chứng khoán - 1

Thị trường chứng khoán (TTCK) khép lại tuần đầu giao dịch sau Tết Nguyên đán với nhiều tín hiệu tích cực

Kỳ vọng vượt đỉnh 1.200 điểm

Phiên giao dịch chiều 18/2, tình trạng "đơ" hệ thống, nghẽn lệnh xảy ra khi thanh khoản sàn HoSE đạt 12.000 - 13.000 tỷ đồng khiến nhiều người bức xúc. Bảng điện tử gần như "đóng băng", cổ phiếu đặt lệnh giao dịch thất bại gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư. Tháng 12/2020, nhiều ý kiến bức xúc với sự cố liên tục xảy ra trên sàn TPHCM. Giảm tải cho hệ thống, nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 nhưng hiện tượng nghẽn lệnh vẫn thường xuyên diễn ra.

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu 2021, VN-Index tăng 58,57 điểm (5,3%) so với phiên trước Tết, lên 1.173,5 điểm. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Thanh khoản thị trường có xu hướng tăng khi khối ngoại giao dịch tích cực, mua ròng trở lại sau 2 phiên trước bán ròng ồ ạt Tết. Thị trường hút dòng tiền với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 13.528 tỷ đồng. Thanh khoản cao cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về đà phục hồi tiếp diễn những ngày tới.

Theo nhận định của các  tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6% năm 2021. Trong đó VNDirect dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt mức 7,1%. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2021, từ đó hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (19/2), nhịp tăng 3 ngày liên tiếp bị chắn ngang dưới áp lực từ TTCK thế giới. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, mức giảm phiên 19/2 rất nhẹ so với các TTCK trong khu vực. Nỗ lực ngược dòng sau khi giảm gần 15 điểm ở phiên mở cửa cho thấy sức khỏe thị trường tốt, dù đã tăng 8/11 phiên gần đây.

Chuyên gia MBS đánh giá, phiên giảm nhẹ đầu năm chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường. Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, diễn biến thị trường sau Tết cho thấy tâm lý thận trọng, lưỡng lự của nhà đầu tư khi VN-Index áp sát vùng đỉnh lịch sử (1.185-1.200 điểm).

"Thị trường đánh dấu tuần hồi phục thứ 3 kể từ đáy 1.000 điểm. Hiện tại, chỉ số áp sát vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm. Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn. Nhịp tăng giảm đan xen bên dưới vùng cản kỳ vọng tạo nền giá tích lũy giúp VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm trong thời gian tới. Tuần (22-25/2) thị trường sẽ chứng kiến sự giằng co, phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu", chuyên gia BVSC phân tích.

Khối ngoại mua ròng sau Tết

Sau hai phiên bán ròng trước Tết, khối ngoại đã trở lại mua ròng trong tuần qua. Thêm một năm ghi nhận thị trường tăng điểm trong tuần đầu tiên sau Tết. Chốt tuần, VN-Index tăng hơn 58 điểm (5,3%), lên 1.173,5 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 2,5%, còn UPCoM-Index tăng 2,6%.

Đà tăng của thị trường một phần nhờ xung lực mua của nhóm nhà đầu tư trong nước với vai trò chủ đạo của nhà đầu tư cá nhân và ngoài ra còn đến từ trạng thái mua ròng trở lại của khối ngoại. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 25,6 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.300 tỷ đồng, với hơn 300 tỷ đến từ giao dịch thỏa thuận.

Khác với HoSE, trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 43,4 tỷ đồng, chủ yếu là VNC và CSC. Ngược lại, NVB được mua ròng mạnh nhất với 19,4 tỷ đồng.

Theo MBS, dòng tiền trở lại chính là điểm nhấn của thị trường năm mới Tân Sửu. Khối ngoại tích cực mua ròng trong 2 phiên đầu năm. Tổng khối lượng mua ròng đạt 25,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.268 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn, "đóng băng" trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dòng tiền chảy về chứng khoán, tạo động lực hỗ trợ thị trường.

Theo Công ty Chứng Khoán VNDirect, việc mặt bằng lãi suất đang thấp kỷ lục khiến một bộ phận dòng tiền trong dân cư, tổ chức chuyển hướng sang các kênh đầu tư tài sản, nổi bật nhất là chứng khoán. Năm 2021, VNDirect dự báo, lãi suất huy động và cho vay có thể giảm tiếp 20-50 điểm % khi chính sách tiền tệ nới lỏng, áp lực lạm phát hạ nhiệt.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, tháng 1/2021, có hơn 86 nghìn tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư trong nước được mở mới, tăng 36,4% so với tháng 12/2020. Đây là lượng tài khoản mở mới trong một tháng cao nhất lịch sử hoạt động hơn 20 năm của TTCK Việt Nam.