1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương vụ “trăm tỷ” của vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long có đổi vận cho cổ phiếu Hoà Phát?

(Dân trí) - Việc vợ chồng ông Trần Đình Long dự chi cả trăm tỷ đồng gia tăng sở hữu cùng thông tin Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời với một số sản phẩm thép xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc liệu có giúp giá cổ phiếu HPG “đổi vận”?

Đà tăng của chỉ số chính VN-Index được xác lập khá rõ ràng trong phiên giao dịch sáng nay (20/6). Chỉ số này tăng mạnh tới 8,43 điểm tương ứng 0,89% lên 958,12 điểm, nhanh chóng giành lại mốc quan trọng 950 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại trải qua rung lắc, giao dịch gay cấn, tạm kết phiên sáng với mức tăng 0,21 điểm tương ứng 0,21% lên 103,99 điểm.

Độ rộng thị trường hiện đang nghiêng hẳn về phía các mã tăng. Có tổng cộng 294 mã tăng giá và 42 mã tăng trần trên toàn thị trường sáng nay so với 232 mã giảm và 22 mã giảm sàn.

Giữa lúc POW, ROS, HPG, VNM giảm và không có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của VN-Index thì riêng mức tăng tại VCB đã góp vào hơn 1,2 điểm cho chỉ số chính. Ngoài ra, một số mã lớn khác như VHM, PLX, GAS cũng có tác động tích cực đến diễn biến chung của thị trường.

Thanh khoản thị trường có cải thiện so với hôm qua, song vẫn ở mức thấp. Tổng cộng có 94,23 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 1.996,07 tỷ đồng và trên HSX là 10,73 triệu cổ phiếu tương ứng 153,37 tỷ đồng.

Thương vụ “trăm tỷ” của vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long có đổi vận cho cổ phiếu Hoà Phát? - 1

Vợ chồng ông Trần Đình Long vừa "bắn" thông tin mua vào cổ phiếu HPG

Trong sáng nay, cổ phiếu HPG của tập đoàn Hoà Phát quay đầu giảm 0,63% sau hai phiên tăng giá mạnh vào ngày 18/6 và 19/6 với các mức tăng lần lượt là 2,67% và 3,47%. Ngược lại với HPG, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen lại tăng 1,43% lên 7.790 đồng/cổ phiếu sau khi đánh mất 0,26% vào phiên hôm qua.

Cổ phiếu hai “đại gia” ngành thép đang có diễn biến trái chiều sau thông tin Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, mạ hoặc không mạ, sơn có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Mức thuế CBPG tạm thời dao động trong khoảng 3,45 - 34,27% được áp dụng đối với hơn 20 công ty. Trong đó, hàng loạt công ty Trung Quốc chịu mức thuế cao nhất là 34,27% là Shangdong Boxing Huaye Industry & Trade Co.,Ltd., Wuhan Hanke Color Metal Sheet Co., Ltd, Bazhou Shengfang Zhixing Pipe Making Co.,Ltd....

Thuế CBPG tạm thời có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày quyết định áp thuế và kéo dài trong vòng 120 ngày.

Với chính sách này, Hoa Sen được cho là doanh nghiệp thép Việt được hưởng lợi nhiều nhất do thị phần của tập đoàn này khoảng 30-34% trong khi Hoà Phát lại không được hưởng lợi nhiêu do tỷ trọng sản phẩm tôn trong cơ cấu sản xuất không lớn.

Về phía Hoà Phát, một thông tin rất quan trọng khác cũng mới được đưa ra và có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn của tập đoàn này, đó là việc vợ chồng ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát cùng công bố kế hoạch gia tăng sở hữu.

Cụ thể, ông Trần Đình Long vừa thông báo đăng ký mua thêm gần 5,6 triệu cổ phiếu HPG trong thời gian từ 21/6 đến 19/7/2019 để nâng sở hữu từ hơn 694,4 triệu cổ phiếu HPG lên tròn 700 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 25,35% vốn điều lệ Hoà Phát.

Cùng thời gian này, bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Long cũng đăng ký mua thêm gần 850.000 cổ phiếu HPG để nâng sở hữu từ hơn 201 triệu đơn vị lên tròn 202 triệu cổ phiếu.

Để chuẩn bị cho các giao dịch này, vợ chồng “vua thép” dự kiến sẽ phải chi ra khoảng trên dưới 150 tỷ đồng.

Thương vụ “trăm tỷ” của vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long có đổi vận cho cổ phiếu Hoà Phát? - 2

Giá cổ phiếu HPG vẫn đang loay hoay quanh vùng 24.000 đồng

Thông tin các lãnh đạo và người nội bộ mua vào cổ phiếu thường có hiệu ứng giúp giá cổ phiếu tăng trên sàn. Tuy nhiên, có vẻ như tác động của thông tin gia tăng sở hữu của vợ chồng ông Trần Đình Long ảnh hưởng không nhiều đến quyết định của giới đầu tư.

Trở lại với thị trường chứng khoán, VCBS đánh giá, áp lực bán dần suy yếu cho thấy tâm lý thị trường đang dần ổn định trở lại, bên cạnh đó dòng tiền bắt đầu quay lại thị trường, dù không quá mạnh (chủ yếu vào nhóm bluechips) cũng là một tín hiệu khá lạc quan trong thời điểm hiện tại.

Tâm điểm sự kiện phiên ngày hôm nay sẽ là phản ứng thị trường sau quyết định lãi suất trong kỳ họp tháng 6 của FED. Bên cạnh đó là các hoạt động cơ cấu ETF trong tuần này cũng sẽ khiến xu hướng thị trường trở nên không rõ ràng.

Trong bối cảnh như vậy, VCBS vẫn giữ khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ tiền mặt và kiên nhẫn chờ đợi trước khi quyết định giải ngân trong giai đoạn này.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm