1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương lái Trung Quốc: Mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng?

Chỉ trong vòng nửa năm đầu 2012, đã không ít lần doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam phải “nếm trái đắng” khi buôn bán với thương nhân Trung Quốc.

Thua lỗ trước mắt

 

Đầu tiên là vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - đối tác nông sản hàng đầu của Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn một tháng vừa qua, mà đã có tới bốn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam "dính đòn" khiến giá giảm thê thảm là khoai lang, dứa, gạo và dừa. Các sự việc xảy ta đều theo một mô - típ chung là thao túng - mua một phần - ngừng mua - mua lại và ép giá.

 

Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua ồ ạt, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh. Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được và đành chịu thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường và nhận một phần sản phẩm, tất cả thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua.
 
Thương lái Trung Quốc: Mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng?

 

Họ tự đặt ra các tiêu chuẩn "kì lạ" để có lý do ép giá nhiều hơn (ví dụ khoai lang củ to không mua, bắt phải giảm giá). Và điều éo le nhất đó là người nông dân Việt Nam gần như không có cách nào để kháng cự lại, nếu càng cố giữ hàng chờ giá lên, thì lại càng bị ép giá nặng.

 

Như trường hợp khoai lang tím, sau khi giá giảm chỉ còn 300,000 đồng/tạ, nông dân đã chủ động kéo dài thời gian thu hoạch, khoai lớn củ hơn nhưng giá lại bị ép xuống còn 250,000 đồng/tạ. Chỉ với một thủ đoạn lặp đi lặp lại, các thương nhân Trung Quốc đã có thể ép giá dứa giảm hơn một nửa, khoai lang tím giảm tới 70%, và giá dừa thậm chí giảm đến 90%, còn gạo thì đang giảm giá liên tục và vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế.

 

Nhờ thao túng được thị trường, thương nhân Trung Quốc có thể thoải mái lưa chọn các sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất. Trong bối cảnh an ninh lương thực đang bất ổn do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu khiến giá lương thực có thể tăng từ 10% - 20% thì việc nông dân Việt Nam phải chịu lỗ nặng khi buôn bán nông sản và lương thực với Trung Quốc là hoàn toàn vô lý.

 

Đó là các thiệt hại trực tiếp cho nông dân, còn đối với các doanh nghiệp cần hàng sản xuất thì thiệt hại lại đau đớn hơn nhiều khi nguồn cung nguyên liệu của thị trường rất lớn nhưng họ lại không thể mua được và phải sản xuất dưới công suất do không thể cạnh tranh thu mua với thương lái Trung Quốc.

 

Trong lúc doanh nghiệp rất cần nguyên liệu sản xuất thì các trạm thu gom nông sản của Trung Quốc lại hút hết nguồn hàng với giá cao hơn nhiều, doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tăng giá thu mua đầu vào do giá xuất khẩu không tăng, vì vậy đành phải sản xuất dưới công suất của nhà máy. Nhưng khi giá giảm và thương lái Trung Quốc quay trở lại thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp tục mua do đã có đủ nguyên liệu và sản xuất đủ thành phẩm đầu ra, nếu mua vào thêm cũng không thể kiếm được người mua và hàng hóa sẽ ứ đọng.
 
Sụp đổ sản xuất trong tương lai

 

Sụp đổ sản xuất trong tương lai

 

Nhưng nguy hiểm hơn, việc người dân tự sản xuất thạch dừa hàng loạt, không theo quy trình đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho uy tín của mặt hàng thạch dừa Bến Tre bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thạch dừa và cả ngành xuất khẩu Thạch Dừa Việt Nam. Nhưng sâu xa hơn, việc thương lái Trung Quốc ép giá thê thảm với dừa có thể khiến người dân phải bỏ trồng dừa, lúc này, ngành sản xuất thạch dừa của tỉnh sẽ khó có thể phục hồi được.

 

Hơn nữa, thương nhân Trung Quốc hiện bao tiêu đến 90% thạch dừa trong tỉnh nên họ toàn quyền quyết định giá cả, sản lượng và thậm chí là chất lượng, nếu họ bỏ đi, cả ngành xuất khẩu sẽ sụp đổ do không tìm được thị trường thay thế.

 

Còn đối với gạo, không chỉ ép giá thông thường, thương nhân Trung Quốc còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận. Việc làm này chỉ mang lại một chút lợi nhuận, nhưng lại gây ra thiệt hại rất lớn cho uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam.

 

Đây không phải là năm đầu tiên các sản phẩm của Việt Nam "dính đòn" hàng loạt, mà mấy năm trước thương nhân Trung Quốc vẫn tận dụng những cách này để thu lợi cho họ, trong khi gây ra thiệt hại rất lớn cho ta, vậy tại sao Việt Nam vẫn "dính đòn"?.

 

Nguyên nhân đầu tiên là do sự gần gũi về địa lý và truyền thống buôn bán lâu đời đã giúp buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước phát triển. Hình thức này rất thuận tiện cho cả hai bên nhưng do Việt Nam không thể quản lý và kiểm soát tốt hoạt động của thương nhân Trung Quốc nên mới dẫn đến việc thương nhân Trung Quốc có thể thoải mái thao túng và ép giá thị trường nông sản của ta.

 

Nhưng nguyên nhân khách quan không quyết định tất cả khi lỗi lớn nhất lại thuộc về chính những doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã ham cái lợi trước mắt, chạy theo các nhu cầu ảo mà thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến cho tình hình càng thêm bất ổn.

 

Như trước đây, khi các cơ quan đứng ra môi giới cho doanh nghiệp Việt Nam mua hàng của nông dân với giá ổn định thì khi thấy giá tăng, nông dân sẵn sàng phá hợp đồng với doanh nghiệp, bán cho thương nhân Trung Quốc. Thậm chí khi thấy thu mua ồ ạt, nông dân sẵn sàng bỏ cả trồng lúa, trồng rau đổ xô đi trồng khoai, làm thạch dừa,... Không chỉ dừng lại ở đó, các doanh nghiệp và người nông dân còn sẵn sàng tiếp tay cho phía Trung Quốc gian lận để đổi lấy một chút lợi ích, không biết rằng chính họ đang phá đi uy tín của cả ngành sản xuất, ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của nhiều người khác.

 

Vấn đề tiếp theo cần nói tới là quy mô sản xuất gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác của chúng ta còn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ. Người nông dân không đủ vốn thường phải mượn ngân hàng và chỉ muốn sớm bán được nông sản. Nên dù bị ép giá vẫn phải bán gấp để thu hồi vốn trả nợ cho ngân hàng và tái sản xuất, chưa kể là người nông dân không liên kết được với nhau nên bị thao túng hoàn toàn và gần như không có cách nào để giải quyết.

 

Nguyên nhân cuối cùng cần nhắc tới là liên kết giữa các cơ quan, ban ngành và người nông dân, doanh nghiệp còn yếu nên chúng ta không thể phối hợp hoạt động hiệu quả để chống lại sự thao túng thị trường của phía Trung Quốc. Nông dân và doanh nghiệp không được thông tin chính xác và kịp thời nên càng loay hoay, lo sợ khi bị thao túng. Càng cố bán gấp càng khiến giá giảm nhanh và càng dễ bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Liên kết yếu cũng khiến cho các cơ quan, ban ngành không thể kiểm soát được chất lượng của hàng sản xuất trong nước và khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới. Khi không thể tìm ra các nguồn mua thay thế khác, cũng không thể liên kết giữ hàng chờ giá tăng thì việc bị thao túng là điều dễ hiểu.

 

Theo Thành Công - Mỹ Vân

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm