“Thận trọng khi giao dịch với khách hàng Trung Quốc”

Trong thời gian gần đây, phía đối tác liên tục phá vỡ hợp đồng, gây lao đao cho doanh nghiệp xuất khẩu, gián tiếp hạ giá thu mua lúa gạo của nông dân.

Trung Quốc từ đầu năm đến nay là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt
 
Trung Quốc từ đầu năm đến nay là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với số lượng tăng đột biến, gấp 4,4 lần so với năm trước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, phía đối tác liên tục phá vỡ hợp đồng, gây lao đao cho doanh nghiệp xuất khẩu, gián tiếp hạ giá thu mua lúa gạo của nông dân.

 

PV ghi nhận một số ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và Cục Trồng trọt về hoạt động bất thường này.

 

Thị trường Trung Quốc không bền!

TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ

 

Gần đây hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả quốc doanh lẫn tư nhân bị đối tác Trung Quốc xù hợp đồng sau khi đã ký và mua vô với số lượng lớn. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?

 

Đây là cách thức mua bán với Trung Quốc rất thường thấy. Ban đầu doanh nghiệp Trung Quốc ùn ùn mua với giá rất cao, người bán cảm thấy rất có lời mà không để ý việc họ không mở tín dụng thư (L/C) gì cả. Sau đó một thời gian họ sẽ đột ngột ngưng, nhất là khi thấy hàng của mình qua bên đấy đã nhiều. Đây vừa có thể là do thủ đoạn của họ hoặc là do đã mua đủ cho nhu cầu thị trường bên đó rồi. Mà một khi họ ngưng mua rồi thì sẽ ngưng rất lâu.

 

Vào những năm 1995- 1996, một loạt doanh nghiệp các ngành cao su, gạo Việt Nam đã "tử nạn" khi làm ăn với Trung Quốc. Cách thức mua bán của họ là vậy, trong khi doanh nghiệp mình thấy giá cao hoặc do kẹt hàng tồn kho, là chấp nhận bán mà đôi khi không cần để ý có mở L/C hay không.

 

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng qua Trung Quốc, thậm chí có mở L/C thì vẫn bị thiệt thòi?

 

Đôi khi Trung Quốc cũng áp dụng nhiều "chiêu thức" trong việc mở L/C, họ gài trong đó nhiều cụm từ mà nếu doanh nghiệp mình không am hiểu thì rất dễ mắc bẫy vì cứ đinh ninh bán hàng mà có cam kết thanh toán qua ngân hàng là yên tâm. Nhưng không phải vậy.

 

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nhờ nhu cầu từ Trung Quốc mà Việt Nam mới có thể giải tỏa một lượng gạo rất lớn do các thị trường khác tạm thời đóng băng. Nếu họ không mua thì doanh nghiệp mình đã rất khó khăn.

 

Do vậy, lời khuyên của tôi doanh nghiệp phải hết sức thận trọng và tỉnh táo, chỉ mua bán qua con đường chính thống, nắm chắc lai lịch của đối tác. Đặc điểm của thị trường Trung Quốc là như vậy, không thay đổi từ bao nhiêu năm rồi. Từ khi bắt đầu xuất khẩu gạo đến nay, đây phải là lần thứ ba, thứ tư doanh nghiệp mình lâm vào thế khó vì vội vã ký hợp đồng.

 

Lưu ý nữa là cố gắng thương lượng vận chuyển bằng tàu của mình. Vì nếu trong trường hợp xấu, phía đối tác Trung Quốc đổi ý thì doanh nghiệp vẫn còn hàng nằm lại trong kho, không bị mất.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp có hiệp hội, ở đây là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). VFA phải có trách nhiệm cung cấp và tìm hiểu thông tin cho hội viên, nhưng tốt nhất là nên có cơ quan xúc tiến thương mại gắn với lãnh sự quán để tìm hiểu thông tin thị trường. Tóm lại, Trung Quốc là thị trường không bền vững.

 

Những trường hợp bị xù hợp đồng, tranh chấp đã xảy ra là bài học của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về hành vi thương mại của mình.

 

Thị trường Trung Quốc có rủi ro thương mại rất lớn

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An

 

Vì sao hiện nay có tình trạng gạo đã chở qua đến Trung Quốc mà đối tác không nhận, doanh nghiệp phải mang về, chịu thiệt hại lớn thưa ông?

 

Đa số các doanh nghiệp bán gạo cho Trung Quốc theo điều kiện FOB (giao hàng tại mạn), tức là đối tác sẽ lo tàu và chịu phí vận chuyển. Điều kiện vận chuyển được thể hiện rõ trong hợp đồng. Mình có muốn vận chuyển thì bên đó cũng không cho, mặc dù lo tàu thì mình chủ động hơn, có điều kiện để giữ hàng hoá tốt hơn. Một lý do nữa nếu doanh nghiệp mình thuê tàu và container thì đến giai đoạn thanh toán, hãng tàu cấp bill (bill of landing - vận đơn) ngay. Chứ như hiện nay, đối tác Trung Quốc nắm quyền thuê container, họ rất dễ giở trò.

 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng qua đến Trung Quốc thì họ giở chứng, không nhận hàng nữa, thì mình cũng đành chịu vì không có vận đơn để hoàn tất bộ chứng từ thanh toán.

 

Đây không còn là vấn đề về kho bãi, cơ sở hạ tầng mà là vấn đề họ có muốn nhận hàng hay không thôi.

 

Cả phương thức thanh toán được cho an toàn là mở L/C qua ngân hàng thì hợp đồng vẫn bị "xù" như thường. Có trường hợp ngân hàng cho rằng bộ chứng từ Việt Nam gửi qua quá chậm, L/C hết hạn. Nhưng lý do chậm là do Trung Quốc không cung cấp vận đơn đúng hạn thì làm sao mà hoàn thiện được bộ chứng từ để gửi ngân hàng thanh toán?

 

Làm thương mại với Trung Quốc thì phải hiểu những vấn đề này.

 

Trong kho tôi không có lúc nào tồn dưới 25.000- 30.000 tấn gạo, mặc dù hiện nay tôi vẫn giao hàng cho các đối tác lâu năm ở Trung Quốc.

 

Có phải phía Trung Quốc muốn lợi dụng tình hình này để ép giá doanh nghiệp, chờ giảm giá để mua vô?

 

Nhiều đơn vị tồn nhiều quá đã nhờ tôi lấy hàng giúp họ, chấp nhận giảm giá vì họ khó khăn quá. Trung Quốc hiện nay cũng không ngưng hẳn, giá thấp họ vẫn tiếp tục mua vô một số.

 

Tóm lại, theo tôi, làm ăn với Trung Quốc thì không có quy luật nào cả. Chúng ta phải xác định rủi ro là rất lớn. Qua đó, doanh nghiệp phải thiết lập mối quan hệ bền vững, thẳng thắn góp ý, phê bình nếu thấy có những dấu hiệu không tốt của đối tác mà mình xác định sẽ là đối tác lâu dài.

 

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Hiện có thông tin nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lấy cớ tồn kho nhiều, bị xù hợp đồng, để đẩy giá mua lúa xuống. Cục trồng trọt nhận xét vấn đề này như thế nào?

 

Hiện tôi chưa biết mức độ chính xác của thông tin đến đâu. Nhưng nếu đúng như vậy, theo tôi, phần nào đó, VFA đã không công bằng với người dân làm lúa.

 

Hiện một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu thu hoạch vụ hè thu sớm. Giá lúa loại IR 50404 trong thời gian qua ở mức 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn nên nhiều khả năng giá lúa tại ĐBSCL có thể giảm xuống.

 

Trong trường hợp hiệp hội ép giá nông dân thì bộ có can thiệp, xử lý? Vì theo điều lệ, hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT, sau đó mới đến các bộ ngành có liên quan khác?

 

Nhưng trên thực tế vấn đề thương mại là do Bộ Công Thương phụ trách còn Bộ NN&PTNT lo sản xuất.

 

Không chỉ có VFA, mà hầu như các hiệp hội có liên quan đến nông sản hiện vẫn đặt lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ quên lợi ích của người nông dân. Vì những hiệp hội này chịu trách nhiệm mua bán xuất khẩu nên dễ lấy lý do ảnh hưởng của cung cấp hàng nông sản để ép giá mua nông sản của người dân.

 

 

Theo T.Hằng – N.Hùng

TBKTSG