Thương lái giở trò “ảo thuật” ăn không tiền triệu của người nuôi lợn

(Dân trí) - Những chiêu trò gian lận của thương lái thu mua lợn hơi là thông tin thị trường đáng chú ý tuần qua.

Tại xã Liên Vũ (Liên Sơn, Hoà Bình) có người chuyên làm “cò” thu mua lợn hơi. Nhà ai có lợn bán là họ đưa người đến mua tại chuồng. Nhóm thương lái thường đi thành 7 người bằng ô tô tải, biển số Bắc Giang.

Theo một người nuôi lợn, thương lái dùng cân của chủ lợn nhưng dùng lồng của họ nên có thể dùng chiêu trò hòng “ăn không” của người nuôi gần 20kg lợn hơi.

Thương lái giở trò “ảo thuật” ăn không tiền triệu của người nuôi lợn   - 1

Dưới đáy chiếc lồng của thương lái sau khi bỏ 2 thanh sắt nặng khoảng 4kg đi và bị chủ nhà phát hiện

Theo một người nuôi lợn đã bị lừa, trước khi bắt lợn, thương lái sẽ tiến hành cân lồng trước, dưới đáy lồng của họ nhét 2 thanh sắt nặng chừng 2-3kg. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà khi vào bắt lợn, họ sẽ lấy 2 thanh sắt đó giấu đi rồi mới bắt lợn vào lồng và mang lên cân. Mỗi mã cân, sau khi trừ lồng sẽ là số cân nặng của con lợn.

“Trước khi bắt lợn, họ cân lồng được 28kg và bắt từng con lợn trong chuồng vào lồng, cân xong cho lên xe tải và bắt con tiếp theo. Họ bắt đến con thứ 5 thì tôi cảm giác thấy rất đáng nghi. Người thì đứng nói chuyện với mẹ tôi, hỏi về cây cối trong vườn, người thì hướng anh trai tôi nói về dịch bệnh và về lệnh cấm đường, người thì yêu cầu tôi cùng vào chuồng đón lợn… Vì vậy, tôi yêu cầu họ cân lại chiếc lồng thì thấy nhẹ chỉ còn 24kg, ít hơn 4kg so với lúc ban đầu. Thấy bị phát hiện nên họ xin lỗi, nói là do lúc đầu họ nhìn nhầm cân. Nhà tôi bực mình làm um lên, lấy lồng của nhà cân lại từng con nên họ chỉ mua 7 con rồi về”, người này cho biết thêm.

Siêu thị kéo giá bán lẻ xuống rẻ hơn lợn hơi

Tại một số siêu thị, thịt lợn được điều chỉnh giảm giá từ 35.000 – 57.000 đồng. Đây là đợt giảm giá lớn nhất trong vòng 2 năm qua của các siêu thị nói trên. Việc giảm giá này nhằm đồng hành, ủng hộ chủ trương của Chính Phủ, từng bước góp phần bình ổn giá thịt heo trong nước.

Cụ thể, xương ống giá từ 121.000 đồng/kg giảm còn 79.000 đồng/kg. Xương cục giá 111.000 đồng/kg giảm còn 69.000 đồng/kg. Thịt vai giá 149.000 đồng/kg giảm còn 115.000 đồng/kg…

Còn tại một hệ thống siêu thị khác, thịt lợn nhập khẩu đã được giảm giá 10 - 15%, áp dụng với 7 sản phẩm nhập khẩu từ Canada, Mỹ, Ba Lan, Đức, Brazil. So với giá thịt heo trong nước, các loại thịt heo nhập khẩu có giá rẻ hơn từ 20 – 40%.

Cụ thể, giá thịt cốt lết giảm còn 88.000 đồng/kg, thịt sườn giảm còn 119.000 đồng/kg, thịt nạc dăm giảm còn 123.000 đồng/kg, thịt ba rọi giảm còn 134.000 đồng/kg…

Xe dịch vụ mùa dịch thu phí gấp đôi

Loại hình vận tải taxi gia đình sử dụng các xe nhỏ 4 - 7 chỗ, nên việc đón trả mất ít thời gian hơn các loại xe to. Cũng vì thế, loại hình này thu hút được khách, dù giá mỗi chuyến đi là 100 nghìn đồng, cao hơn các loại xe khách liên tỉnh từ 40 - 50 nghìn đồng.

Thương lái giở trò “ảo thuật” ăn không tiền triệu của người nuôi lợn   - 2

Xe dịch vụ tăng giá

Thế nhưng, trong mùa dịch giá còn tăng gấp đôi so với ngày thường, lên 200.000 đồng/người. Việc tăng giá theo một tài xế chuyên chạy xe dạng này là bởi, quy định chỉ được chở thêm tối đa 2 người trên xe 4 chỗ.

Nói là vậy, nhưng khi thử liên lạc với một tài xế khác và đề nghị đi 4 người thì người vẫn sẵn sàng chở và còn “ưu đãi” từ 800.000 về còn 600.000 đồng.

Chủ hàng phở thái thịt xuyên đêm bán hàng sau cách ly

Chủ cửa hàng phở Thìn Bờ Hồ cảm giác như được sống lại khi nghe thông báo Hà Nội sẽ dừng cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4. Bởi anh lại được trở về với công việc cũ, sáng thức giấc từ lúc 2h vừa nấu nước dùng vừa thái thịt xuyên đêm.

Đã gần 1 tháng nay, quán anh tạm thời đóng cửa phòng dịch Covid-19. Để duy trì hoạt động, ban đầu quán mở bán online nhưng sau đó thì dừng phục vụ để đảm bảo an toàn, do lượng shipper đến lấy hàng quá tải.

"Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi hỏi là đến bao giờ quán mở cửa trở lại, đến bao giờ quán được bán online. Tôi cũng sốt ruột vì nhân viên ở quán hơn 1 tháng nay không được đi làm, khách hàng cũng không được ăn phở" - anh nói với niềm vui chỉ chực vỡ òa sau nhiều ngày khổ tâm, lo lắng.

Dân kinh doanh đi thuê nhà với tâm thế “cửa trên”

Trước đây, dù có kinh doanh không thực sự tốt, nhưng việc tìm mặt bằng mới với giá hợp lý không hề đơn giản. Nên thời điểm này, khi nhiều nơi “xả” mặt bằng thì đây chính là cơ hội của không ít tiểu thương.

Thương lái giở trò “ảo thuật” ăn không tiền triệu của người nuôi lợn   - 3

Dân kinh doanh có nhiều lựa chọn mặt bằng đẹp mùa dịch

Anh T trước đây thuê nhà với giá 12 triệu đồng/tháng, nhưng diện tích nhà nhỏ, không có vỉa hè, lại nằm trong phố nhỏ. Song hiện tại, anh có thể tìm được một vị trí đẹp hơn với giá rẻ hơn từ 1 - 2 triệu đồng/tháng và bù đắp được hết các nhược điểm trên của mặt bằng.

Nhiều tiểu thương đã chuyển đi thuê chỗ khác khi không được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê, hoặc nếu tìm được nơi phù hợp thì không ít người sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn để làm ăn ổn định.

 Thế Hưng

Tổng hợp