1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thương chiến Mỹ – Trung: Việt Nam phải lường các tiêu cực dài hạn

(Dân trí) - Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng tích cực tới Việt Nam khi mà chúng ta nằm trong tâm điểm của cuộc xung đột. Tuy nhiên, phải lường đến những tiêu cực dài hạn. Đây là yếu tố rất quan trọng, nhất là khi thực lực Việt Nam chưa thật sự mạnh.

Đó là nhận định của ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia tại Diễn đàn kinh doanh 2019 lần thứ 6 với chủ đề “Tiến vào kỷ nguyên số” vừa diễn ra tại TPHCM vào chiều 15/8.

Phải lường những tiêu cực dài hạn

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực với dự báo tăng trưởng lên đến 6,8%. Còn theo nghiên cứu của trung tâm kinh doanh toàn cầu của ĐH Tufts (Mỹ), Việt Nam nằm ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh trong nước lại đang chịu sự tác động của cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ – Trung. Cuộc chiến này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, đầu tư và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia.

Bên cạnh rủi ro gia tăng từ việc đối đầu thương mại giữa hai đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất, Việt Nam cũng có cơ hội khác với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EV FTA).

Thương chiến Mỹ – Trung: Việt Nam phải lường các tiêu cực dài hạn - 1

Diễn đàn kinh doanh 2019 lần thứ 6 với chủ đề “Tiến vào kỷ nguyên số” vừa diễn ra tại TPHCM vào chiều 15/8.

Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế thế giới đang có một số yếu tố bất định, khó lường, nhất là khi sự xuất hiện của một số mô hình kinh doanh trên nền tảng số tạo ra những thay đổi có tính cách mạng ở nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, tuy nói Việt Nam đang chịu ảnh hưởng to lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhưng trong thực tế nền kinh tế ở nước ta tính đến bây giờ vẫn tốt, thậm chí không phải chỉ tốt trong nửa đầu năm nay mà bắt đầu “cất cánh” từ 3 năm trước.

Theo ông Thiên, Việt Nam có được thành quả đó là nhờ quá trình cái cách vài năm nay. Hay nói khác hơn là chính nhờ cải cách mà Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam tốt hơn trước rất nhiều là nhờ nước ta đã ký kết được những hiệp định thương mại to lớn với những đối tác rất đáng tin cậy như là: EV FTA, CPTPP…

“Cải cách tốt thì niềm tin của các nhà đầu tư càng lớn, lực hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam càng cao. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng tích cực tới Việt Nam khi mà chúng ta nằm trong tâm điểm của cuộc xung đột. Tuy nhiên, phải lường đến những tiêu cực dài hạn. Đây là yếu tố rất quan trọng, nhất là khi thực lực Việt Nam chưa thật sự mạnh. Như vậy, thử thách không phải là khó khăn mà chính là làm sao chúng ta có thể vượt qua ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để đạt tới đỉnh cao phát triển”, ông Thiên nói.

Cần áp dụng công nghệ số

Cũng tại diễn đàn, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần đầu tư U&I cho rằng, năng suất lao động của người Việt Nam rất tốt. Minh chứng điển hình là năng suất lao động tổng hợp ở mức khoảng 5.000 USD.

Theo ông Tín, chưa bao giờ Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và có nhiều cơ hội như hiện nay. Hiện nước ta có tới 53 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có 38% lao động làm công việc nông nghiệp (trước đây là 50%). Chưa kể, số lượng người lao động làm việc trong các cơ quan công quyền có năng suất lao động cao cũng chiếm 10%.

Tuy nhiên, do cơ cấu người lao động trong các cơ quan công quyền cũng như nông nghiệp chiếm tỉ trọng khá lớn nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động tổng hợp của cả nước. Do đó, Việt Nam nên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Thương chiến Mỹ – Trung: Việt Nam phải lường các tiêu cực dài hạn - 2
Quản trị trên nền tảng số được cho là một phương án được kỳ vọng cao

Ông Tín cũng cho rằng, tư duy tiến vào kỷ nguyên số hấp dẫn. Bởi lẽ, nếu tính riêng trong chuỗi toàn cầu ngành công nghiệp thời trang đã có 600 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 50% và đang giữ vai trò “anh cả” trong ngành. Còn tại Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang vẫn đang đứng vững. Ngành công nghiệp thời trang trong nước có giá trị trên 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại thời điểm này là làm sao nâng cao được năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để ngành thời trang phát triển tốt hơn nữa.

Cũng theo ông Tín, qua nghiên cứu các giải pháp giúp nền kinh tế phát triển thì quản trị trên nền tảng số được cho là một phương án được kỳ vọng cao. Có thế mới đẩy mạnh cạnh tranh với Bangladesh, Trung Quốc, Myanmar...  Mặt khác, nguồn cung lao động gặp vấn đề, do đó để tăng năng suất lao động phải có nguồn dữ liệu số, phải có dữ liệu thông tin của tất cả các dịch vụ.

"Làm sao để giảm giá thành nhà máy còn khoảng 80 % là thành công. Tôi đề nghị mạnh dạn đầu tư cho công nghệ, mạnh dạn đầu tư cho quản trị. Chúng ta có data để cấy vào các tiểu phần mềm. Chỉ có áp dụng nó chúng ta mới quản trị được giá thành, mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh", ông Tín nói.

Quế Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm