“Thuốc” trảm nhà thầu yếu kém đang phát huy tác dụng

(Dân trí) - Việc “trảm” các nhà thầu yếu kém và gỡ khó về điều chỉnh giá có vẻ như đang phát huy tác dụng khi tiến độ tại các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA đã được đẩy nhanh, góp phần tạo việc làm chính cho các nhà thầu trong ngành.

Thay đổi tiến độ sau “lệnh” trảm

Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên - công trình sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản với tổng mức đầu tư lên tới 10.332 tỷ đồng cách đây không lâu bị liệt vào danh sách chậm tiến độ, để giải quyết thực trạng này lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu trảm liên tiếp hàng loạt nhà thầu thi công và “phát” tín hiệu báo động đỏ đối với nhà thầu phụ.

Cùng thời điểm đó, trong bối cảnh khó khăn, việc được Bộ GTVT chấp thuận tạm ứng thêm 10% giá trị hợp đồng và cho phép tính trượt giá bằng công thức mới sát hơn với những biến động của thị trường đã tạo thêm những xung lực đáng kể cho các nhà thầu thi công tại dự án này.
 
Thi công Dự án Xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội (ảnh: Internet)
Thi công Dự án Xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội (ảnh: Internet)

Đại diện tư vấn giám sát Dự án là Nippon Koei - JBSI (Nhật Bản) và TEDI (Việt Nam) cho biết, kể từ cuối tháng 3/2012 tới nay, sản lượng thực hiện tại 4 gói thầu xây lắp chính đạt 3,5 - 4% giá trị gói thầu/tháng, cao gấp 2 lần sản lượng bình quân mỗi tháng trước đó, nâng tổng giá trị sản lượng của toàn dự án kể từ khi khởi công đến nay đạt trên 30%. Nếu tiến độ này tiếp tục được các đơn vị thi công duy trì, Dự án sẽ đạt mục tiêu là hoàn thành toàn bộ phần nền và thông tuyến 61,3 km đường trước mùa mưa năm 2012.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) - đại diện chủ đầu tư dự án đã thành lập tổ chỉ đạo thường trực tại hiện trường để trực tiếp hàng ngày cùng tư vấn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh cho các đơn vị thi công. PMU2 tuyên bố sẵn sàng thay thế bất kỳ nhà thầu nào nếu tiến độ không có chuyển biến trong vòng 2 tháng.

Sau một giai đoạn khá dài hụt hơi về tiến độ, Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đang tăng tốc, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013.

Ông Trần Quốc Việt - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nhìn nhận, đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công, bởi giai đoạn thi công nền đường tuy tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng lại cho giá trị sản lượng thấp.

Ở Dự án Xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn II (có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) - hồi đầu năm 2012, nhà thầu thi công đã không ngần ngại “cược” ghế giám đốc đảm bảo tiến độ thi công và khả năng hoàn thành dự án vào tháng 6/2012. Đến nay, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết gần như chắc chắn sẽ thông xe theo cam kết nói trên. Trong khi đó, phía đại diện chủ đầu tư Dự án là PMU Thăng Long tỏ ra lạc quan hơn khi nhận định rằng Dự án Xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn II có khả năng vượt tiến độ hợp đồng ban đầu 5 - 15 tháng.

Với chính sách “trảm” thầu và gỡ khó về điều chỉnh giá, hiện số lượng dự án có tốc độ giải ngân tốt (loại A) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có các dự án như: Dự án Xây dựng Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia…

"Thành tích tốt nhất"

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến hết tháng 5/2012, các dự án ODA do Bộ này quản lý thực hiện 4.789/3.818 tỷ KH giao đạt 125,4% KH; giải ngân 4.179/3.818 tỷ KH giao đạt 109,5% KH. Hiện tại, các dự án ODA trong ngành GTVT đang được Bộ này “cởi” cơ chế hết mức.

Ông Trần Quốc Việt khẳng định: “Đây là thành tích tốt nhất từ trước tới nay trong giải ngân vốn ODA do Bộ GTVT quản lý”.

Trên thực tế, kể từ tháng 2/2012, các nhà thầu thi công dự án ODA được chủ đầu tư tạm ứng thêm 10% giá trị hợp đồng và được tạm thanh toán 80% vật tư, vật liệu tập kết tại công trường. Bộ GTVT cũng đã đồng ý cho một số chủ dự án cho phép điều chỉnh công thức tính trượt giá theo hướng sát hơn với diễn biến thực tế của thị trường. Tại nhiều dự án ODA, các ban quản lý dự án đã huy động nhân lực giải quyết nhanh thủ tục để sau 30 ngày, tiền thanh toán các khối lượng hoàn thành về tới tài khoản của nhà thầu, rút ngắn gần 1 nửa cho với chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù đạt “thành tích” trong việc giải ngân vốn nước ngoài, nhưng các dự án giao thông trọng điểmsử dụng vốn vay ODA hiện cũng đang phải đối mặt với trở ngại thiếu vốn đối ứng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, điển hình là các dự án triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, như Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới, Dự án Xây dựng nhà ga T2 Nội Bài… Và theo lời ông Việt, nếu giải quyết đủ vốn đối ứng, tiến độ thực hiện tại các dự án ODA sẽ còn chuyển biến nhanh hơn nữa.

Quỳnh Anh