Thuế tối thiểu toàn cầu không bắt buộc, sao Bộ Tài chính lại muốn áp dụng?

Ghi Du

(Dân trí) - Dù quy định thuế tối thiểu toàn cầu không phải là cam kết quốc tế, Bộ Tài chính ủng hộ việc áp dụng từ năm 2024. Theo Bộ này, việc áp dụng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trình thẩm tra nội dung này.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng thuế suất thực tế ở Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thuế tối thiểu toàn cầu không bắt buộc, sao Bộ Tài chính lại muốn áp dụng? - 1

Thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của OECD (Ảnh: Shutterstock).

Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Bộ trưởng Phớc cũng nhấn mạnh việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam các cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu, cần giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành.

Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua nguyên tắc nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế.

Cụ thể, trụ cột thứ nhất là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; trụ cột thứ hai là đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, tại báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết hiện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã nội luật hóa các quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

"Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ", ông Mạnh nói.