Đại biểu Quốc hội:
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam
(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tuy nhiên, cũng lưu ý, cần đánh giá đủ chi tiết tác động và có các quy định hướng dẫn thực hiện thuế này.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đa số đại biểu bày tỏ thống nhất với việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Mang lại nhiều cơ hội mới
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho biết, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã được nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi hàng đầu thế giới thống nhất nguyên tắc, giải pháp gồm hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế.
Theo đó, phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số và đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác toàn cầu cũng đã công bố rằng hiện nay có 138 nước đồng thuận với nội dung này về khung giải pháp hai trụ cột trên.
"Việt Nam cũng là thành viên thứ 100, nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với doanh nghiệp Việt Nam…", đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu.
Cũng phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh, việc thực hiện sớm Nghị quyết này thì chúng ta sẽ thu được tới 14.600 tỷ đồng tiền thuế, bổ sung được 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia.
Đồng thời, theo đại biểu Huân, việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Dù việc ban hành Nghị quyết này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp
"Dự kiến việc ban hành Nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay", đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.
Cần đánh giá đủ chi tiết các tác động
Góp ý một số nội dung cụ thể, về quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ, nghiên cứu quy định hướng nội luật hóa nội dung các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại dự thảo nghị quyết để đảm bảo thi hành.
Đồng tình với việc áp dụng thu thuế doanh nghiệp bổ sung không chỉ để chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu mà còn để chống chuyển dịch. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung quy định việc thu thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu để giữ quyền thu thuế cho Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu OECD áp dụng từ năm tài chính 2025.
Để có cơ sở thuyết phục hơn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá thận trọng nghiên cứu thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại các quốc gia có sự tương đồng với quy mô, cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% hiện tại không bắt buộc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Cần đánh giá đủ chi tiết các tác động, có các quy định hướng dẫn thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, đồng thời với việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn…
"Cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới. Về các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút gồm lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường…", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.