Phó Thủ tướng yêu cầu sớm báo cáo giải pháp khi áp thuế tối thiểu toàn cầu
(Dân trí) - Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động báo cáo sớm về việc áp thuế tối thiểu toàn cầu để Chính phủ kịp trình Quốc hội xem xét áp dụng trong tháng 10 tới.
Tháng 10 trình Quốc hội việc áp thuế tối thiểu toàn cầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề cập về việc tháng 10 sẽ trình Quốc hội việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/3.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái hiện là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Thuế này là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021, để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này nếu áp dụng từ năm 2024.
Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tháng 10, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế này. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
"Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì nhưng những chính sách hỗ trợ khác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện", Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng yêu cầu 2 bộ cần chủ động để Chính phủ kịp trình Quốc hội xem xét áp dụng.
Khôi phục niềm tin của nhà đầu tư với thị trường tài chính
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quản lý Nhà nước, đặc biệt trong việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 này.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023.
Đồng thời, Bộ này cần tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...
Theo Phó Thủ tướng, trong các tháng tới dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các ảnh hưởng từ môi trường quốc tế, áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu ngành tài chính.
Để hoàn thành và hoàn thành mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 (6,5%), kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cần sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cập nhật phương án, kịch bản điều hành, có bước đi cụ thể trong thời gian còn lại của năm.