Thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt 15,1 tỷ đồng/năm: Làm gì để thu hồi vốn?

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Nếu kinh doanh mặt hàng ăn, uống và không được sửa chữa mặt bằng, việc thu hồi vốn trên mảnh đất nhà hàng Thủy Tạ gần như là điều bất khả thi, theo chuyên gia.

Thông tin về vụ đấu giá thuê đất nhà hàng Thủy Tạ (TP Đà Lạt) với giá thuê 15,1 tỷ đồng/năm đang nhận được sự chú ý. Theo quy định, người thắng đấu giá phải nộp tiền một lần cho thời hạn thuê 10 năm với tổng số tiền 151,5 tỷ đồng. Như vậy, giá thuê khu đất này tính theo ngày rơi vào khoảng 41,6 triệu đồng/ngày.

Trên các hội nhóm về bất động sản, đa phần mọi người nhận định mức giá thuê này là rất cao so với giá ở Đà Lạt nói chung và cả nước nói riêng trong thời buổi kinh tế đi xuống.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh H.B - người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đầu tư bất động sản tại Đà Lạt - cho rằng: "Ngày trước, khi Đà Lạt chưa bị công nghiệp hóa, vị trí của nhà hàng Thủy Tạ có thể coi là đắc địa bậc nhất trung tâm".

Thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt 15,1 tỷ đồng/năm: Làm gì để thu hồi vốn? - 1

Nhà hàng Thủy Tạ (sơn trắng) ở trung tâm TP Đà Lạt, khu vực Hồ Xuân Hương (Ảnh: dalat.vn).

Tuy nhiên, theo anh H.B, hiện tại, Đà Lạt đã được phủ sóng bởi rất nhiều cửa hàng, quán ăn của các thương hiệu lớn nhỏ, do vậy, Thủy Tạ không gây được nhiều sự chú ý như trước.

Anh H.B nói thêm anh là người gốc Đà Lạt và thường chỉ ghé tới nhà hàng này khoảng 2, 3 lần trong đó lần 1 để "biết", lần 2, 3 là dẫn bạn bè, người thân ghé tới. Ngoài ra, với nhu cầu ăn uống hàng ngày, Thủy Tạ không phải lựa chọn tối ưu.

Chưa kể, theo lời anh H.B, ngày thường, việc di chuyển ở khu vực nhà hàng khá thuận lợi. Còn vào ngày lễ tết, đây là nơi có mật độ giao thông cao nhất thành phố, khá khó khăn cho việc đi lại vì thường xuyên kẹt xe.

Nhận định về mức giá thuê 41,6 triệu đồng/ngày, anh H.B cho rằng nếu được cải tạo nhà hàng, sang sửa, xây thêm tầng để tăng lượng khách, con số này có thể khả thi. Tuy nhiên, theo quy định, người trúng đấu giá phải giữ nguyên hiện trạng, không được xen cấy thêm công trình, việc hòa vốn là không thể.

Theo tính toán, công trình có mái che ở khu vực đấu giá có diện tích 383m2, như vậy sức chứa khoảng 250 khách (mỗi khách 1,6m2). Nếu đón được lượng khách tối đa, trung bình mỗi khách cần chi trả khoảng 170.000 đồng tiền ăn uống thì điểm doanh thu mới vừa đủ để trả tiền mặt bằng, chưa tính chi phí nhân viên, điện, nước, nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, là người sống ở Đà Lạt lâu năm, anh H.B cho rằng vị trí của nhà hàng Thủy Tạ chỉ phù hợp kinh doanh F&B, không phù hợp làm lĩnh vực khác. 

Chị Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc một công ty tư vấn bất động sản - nhận định nhà hàng Thủy Tạ có được vị trí đắc địa ở trung tâm Đà Lạt. "Trong bất động sản, sự lựa chọn đầu tiên bao giờ cũng là vị trí và Thủy Tạ có được điều này", chị nói.

Thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt 15,1 tỷ đồng/năm: Làm gì để thu hồi vốn? - 2

Đại gia Hà Nội trúng thầu thuê đất nhà hàng Thủy Tạ với giá thuê 15,1 tỷ đồng/năm (Ảnh: Dalat Tourist).

Tuy nhiên, mức 15,1 tỷ đồng/năm tiền thuê sẽ khiến đa phần mọi người đặt dấu hỏi. 

Theo chị Trang, nếu xét ở bài toán tài chính, việc đóng trước tiền thuê 10 năm là 151 tỷ đồng sẽ khiến giá thuê thực chất của khu vực này cao hơn con số 151 tỷ đồng. Bởi nếu dùng 151 tỷ đồng đó để gửi tiết kiệm ngân hàng, sau 10 năm, lợi nhuận thu về cũng đạt cả trăm tỷ đồng (tính theo lãi suất khoảng 6 đến 7%/năm).

Chị Trang cho biết hiện tại, bất động sản đang ở "đáy". Chủ không ít lô đất phải cắt lỗ sâu dù ở vị trí đẹp. Do vậy, chị đặt dấu hỏi về vụ đấu giá này, liệu đại gia gốc Hà Nội có bỏ cọc hay không? Nếu có, người thuê tiếp theo sẽ trả mức giá bao nhiêu? Theo chị, câu trả lời chỉ rõ ràng khi tiền thuê được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.