Thuế môi trường với xăng dầu có thể tăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít

(Dân trí) - Chính phủ cho biết, để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2016 sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Như vậy, thuế suất môi trường với mặt hàng xăng có thể lên kịch trần 4.000 đồng/lít so với mức 3.000 đồng/lít hiện tại.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIII do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký. Báo cáo đánh giá, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những tháng đầu năm 2016 đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến giá dầu thô thế giới từ đầu năm đến nay rất phức tạp, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016.

Theo tính toán, nếu giá dầu bình quân ở mức 25 USD/thùng, sẽ tác động làm giảm thu NSNN khoảng 66.100 tỷ đồng; tương tự, giá dầu ở mức 30 USD/thùng, giảm thu khoảng 56.800 tỷ đồng, giá dầu ở mức 35 USD/thùng, giảm thu khoảng 46.700 tỷ đồng và giá dầu ở mức 40 USD/thùng, giảm thu khoảng 37.300 tỷ đồng.

NSNN đang chịu áp lực lớn do giá dầu giảm
NSNN đang chịu áp lực lớn do giá dầu giảm

Chính phủ cho biết, năm 2016, để đảm bảo cân đối NSNN, một trong những giải pháp đặt ra là tập trung thực hiện tốt công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Cụ thể, tổ chức theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối NSNN; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN; lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp đối với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN các mặt hàng xăng dầu

Đáng chú ý, Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu hiện nay đang được quy định tại biểu thuế của luật Thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành với khung quy định đối với xăng (trừ ethanol) từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, dầu diezel từ 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa và mazut từ 300 - 2.000 đồng/lít.

Hồi tháng 5/2015, thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã tăng mạnh 300%, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay. Mặt hàng dầu diezel tăng từ 500 đ/lít lên 1.500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đ/lít lên 900 đồng/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít.

Như vậy, với dự kiến tiếp tục điều chỉnh tăng thì thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng có thể sẽ tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít.

Ngoài ra, trong phương án điều hành năm 2016, Chính phủ cũng cho biết sẽ phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao. Cùng với đó là đánh giá tác động của các Hiệp định tự do thương mại (FTAs) đến thu NSNN để có giải pháp chủ động trong điều hành.

Chính phủ cũng cho biết sẽ quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; thanh tra chuyên đề về chuyển giá, hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.

Trả lời báo chí tại phiên họp báo chiều nay (31/3), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính vẫn chưa có kế hoạch trình Chính phủ về điều chỉnh thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, việc điều chỉnh từng sắc thuế cần có đánh giá thực tiễn, căn cứ vào các quy định luật pháp, Nghị quyết của Chính phủ và phù hợp với chính sách động viên nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bích Diệp

Thuế môi trường với xăng dầu có thể tăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít - 2