Thuế bình quân gia quyền xăng dầu: Doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi, Bộ nói “chưa có cách tốt hơn”

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch. 10 đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì loại thuế này. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, hiện chưa có phương án nào tốt hơn phương án thuế này.

Thuế bình quân gia quyền xăng dầu: Doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi, Bộ nói “chưa có cách tốt hơn” - 1

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt những bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016. Một trong những điểm đáng lưu ý được đề cập tới đó là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở.

Loại thuế này được xem là giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh tồn tại song song các mức thuế khác nhau với cùng một mặt hàng xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10% và từ các thị trường áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 20%.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định.

Theo đó, do áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách công thức tính giá cơ sở mà 10 thương nhân đầu mối hưởng lợi 3.375 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.433 tỷ đồng trong năm 2016.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện nay Việt Nam đang có 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó thuế suất mặt hàng xăng dầu là khác nhau, do đó “hiện chưa có phương án nào tốt hơn phương án thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong điều hành giá xăng dầu”.

Theo bà Mai, tính đến thời điểm hiện nay cơ sở để tính thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá xăng dầu vẫn lấy theo thuế nhập khẩu bình quân gia quyền. Tại kỳ điều hành gần đây nhất, trên cơ sở thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, nếu trong trường hợp thấp hơn mức thuế nhập khẩu thấp nhất của một trong các FTA thì sẽ lấy mức thuế thấp nhất đó.

Trả lời thêm về việc điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, từ khi Nghị định 83 ra đời (ngày 1/11/2014), công tác điều hành giá xăng dầu có “sự thay đổi căn bản, được doanh nghiệp và dư luận đánh giá tích cực”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu bảo đảm công khai minh bạch. Chúng ta đã hoàn thiện công thức để điều hành giá xăng dầu theo định kỳ 15 ngày/lần. Hiện chỉ có 2 biến số là thuế và giá bình quân của 15 ngày, lấy sàn Singapore làm chuẩn. Ngoài ra còn thêm 1 yếu tố nữa là có sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hay không. Hầu như doanh nghiệp, người dân hoàn toàn có thể đoán được diễn biến giá xăng dầu sẽ diễn biến như thế nào.

“Cùng với đó, hiện đã tăng các đầu mối cung cấp. Trước đây chủ yếu là Petrolimex, nhưng hiện đã có 29 đầu mối trực tiếp nhập khẩu xăng dầu và con số này sẽ tiếp tục tăng. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện đều có thể trở thành nhà nhập khẩu xăng dầu”, ông Hải cho biết.

Trước đó, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu từng gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó xuất hiện. Năm 2017, Hiệp hội Xăng dầu cũng đã nhiều lần kiến nghị đưa thuế nhập khẩu về một mức để thuận tiện hơn trong tính toán và sát với giá thực hơn. Việc hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng tăng thu trong nước.

Ông Phan Thế Rệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết, Nghị định 83 không có điều khoản nào nói về “thuế bình quân gia quyền” cũng như cách tính đó, nên điểm này không đảm bảo tuân thủ Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều lần đều khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất. Cách tính này giải quyết hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Nguyễn Khánh

Thuế bình quân gia quyền xăng dầu: Doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi, Bộ nói “chưa có cách tốt hơn” - 2