Kiểm toán Nhà nước “vạch” rõ bất cập trong việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu

(Dân trí) - Mặc dù khẳng định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo Nghị định 83 của Chính phủ là cần thiết song theo Kiểm toán Nhà nước, việc chi quỹ này còn nhiều bất cập.


Theo Kiểm toán Nhà nước, việc điều hành Quỹ Bình ổn xăng dầu có nhiều bất cập (Ảnh minh họa)

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc điều hành Quỹ Bình ổn xăng dầu có nhiều bất cập (Ảnh minh họa)

Trong kết luận vừa được công bố cuối tuần qua, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) theo Nghị định 83 là cần thiết. Bởi quỹ BOG đóng vai trò là một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết giá xăng dầu trong nước trong trường hợp xăng dầu thế giới có biến động.

Trong 47 kỳ điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 – 2016 do Bộ Công Thương công bố, mức trích lập quỹ BOG trong giá cơ sở như sau: Có 3 kỳ trích mức quỹ BOG cao hơn 300 đồng/lít, 1 kỳ mức quỹ trích BOG thấp hơn 300 đồng/lít, 43 kỳ điều hành còn lại mức quỹ trích BOG ổn định 300 đồng/lít.

Tuy nhiên theo Kiểm toán Nhà nước, việc trích quỹ BOT vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá vẫn thực hiện trích quỹ và chi quỹ BOG. Như vậy với cách điều hành giá theo quy định hiện hành sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ BOG với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.

Để khắc phục tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chỉ trích quỹ BOG khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ, khi giá tăng không trích (để không làm tăng giá – đạt mục đích bình ổn giá) và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp, khi thiếu quỹ khi đó mới tăng giá.

“Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó buộc phải tăng giá”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Thực tế phần lớn thời gian trong năm 2015, 2016, giá bán các mặt hàng xăng dầu vẫn nằm trong trạng thái Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá (Quỹ thời gian bình ổn chiếm từ 37 – 76%, tuỳ mặt hàng trong giai đoạn 2015 – 2016), đơn cử năm 2016, mặt hàng xăng: tổng quỹ thời gian áp dụng chi sử dụng quỹ BOG là 253 ngày, mức chi cao nhất là 1.047 đồng/lít, cá biệt có thời gian chi sử dụng quỹ BOG kéo dài tới 60 ngày với mức chi là 639 đồng/lít.

Mặt khác theo số liệu về quỹ BOG tại 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán thì có 3/10 đầu mối có số dư quỹ BOG âm.

Trước đó, việc có nên tiếp tục duy trì quỹ BOG xăng dầu không là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Còn nhớ tại một cuộc họp báo của Chính phủ trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã khẳng định trong suốt thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhận thấy với sự điều hành Quỹ bình ổn này, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt.

Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định có thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng cần lựa chọn thời điểm thích hợp để quyết định. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng việc bỏ quỹ này.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng QBO giá xăng dầu nói là lập ra để bình ổn giá vì người dân nhưng thực tế việc điều hành quỹ hiện không có đại diện người dân nào cả. Người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện ra làm sao, việc công khai minh bạch như thế nào cả. Cho nên Nghị định 83 cần được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Nguyễn Khánh

Kiểm toán Nhà nước “vạch” rõ bất cập trong việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu - 2