1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán Nhà nước: Đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì chênh lệch thuế

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho biết, do áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách công thức tính giá cơ sở mà 10 thương nhân đầu mối hưởng lợi 3.375 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.433 tỷ đồng trong năm 2016.

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra một loạt những bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016. Một trong những điểm đáng lưu ý được đề cập tới đó là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở.


Các đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì chênh lệch thuế. (Ảnh: minh hoạ)

Các đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì chênh lệch thuế. (Ảnh: minh hoạ)

Loại thuế này được xem là giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh tồn tại song song các mức thuế khác nhau với cùng một mặt hàng xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10% và từ các thị trường áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 20%.

Đề cập tới loại thuế này, tại kết luận vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016: Liên bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng thuế MFN trong điều hành và được Kiểm toán nhà nước cho là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản chênh lệch lớn không hợp lý cho các đơn vị đầu mối.

Theo tính toán, nhờ khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.375 tỷ đồng.

Năm 2016, từ kỳ điều hành 21/3, việc tính toán giá cơ sở tại Liên Bộ được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Theo tính toán, tại 10 thương nhân đầu mối trong năm 2016 vẫn phát sinh chênh lệch hơn 1.433 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định.

Do vậy, để việc xây dựng giá cơ sở được bình đẳng, hợp lý Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp là rất cần thiết, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế.

Trước đó, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu do Bộ Tài chính là “tác giả” từng gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó xuất hiện.

Năm 2017, Hiệp hội Xăng dầu cũng đã nhiều lần kiến nghị đưa thuế nhập khẩu về một mức để thuận tiện hơn trong tính toán và sát với giá thực hơn. Việc hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng tăng thu trong nước.

Ông Phan Thế Rệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị về thuế bình quân gia quyền ngay từ khi nó ra đời và không được tiếp thu, nhưng đến nay hiệp hội vẫn giữ quan điểm về thuế này là nó mù mờ, không minh bạch, không kịp thời về mặt thị trường.

Không minh bạch ở chỗ không ai biết cơ cấu nhập, số lượng nhập cụ thể của các thị trường là bao nhiêu (Bộ Tài chính không công bố con số này), cũng không ai biết tính cách nào, mà chỉ biết Bộ sẽ đưa ra một con số mà tất cả phải chấp hành.

Thêm vào đó, Nghị định 83 không có điều khoản nào nói về “thuế bình quân gia quyền” cũng như cách tính đó, nên điểm này không đảm bảo tuân thủ Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng khẳng định, cách tính bình quân gia quyền sẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn.

Nguyễn Khánh

Kiểm toán Nhà nước: Đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì chênh lệch thuế - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm