1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng: Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Việt Nam tăng 20 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu của IMF, tăng 17 bậc trên bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy khi chủ trì phiên họp thường trực cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ 20216-2021, diễn ra chiều nay (31/3).

Thủ tướng: Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Quốc Chính).

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại 5 năm hành động chung sức đồng lòng, cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu đạt được thành tựu rất đáng tự hào như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội.

"Chúng ta đã đổi mới, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Chúng ta đã tháo gỡ nhiều thể chế, chính sách pháp luật để đưa đất nước tiến lên" - Thủ tướng cho hay.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế vĩ mô hiện ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát thấp. Quy mô nền kinh tế đã gấp 1,4 lần so với năm 2015. Kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước được tăng cường. Thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động cải thiện rõ rệt.

"Đặc biệt chúng ta đã mở ra không gian, cơ hội lớn cho phát triển thông qua các hiệp định lớn, song phương và đa phương" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh đã có tiến bộ quan trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, niềm tin của xã hội, của người dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng cao.

Cho rằng uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng 17 bậc trên bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc… Đặc biệt, Việt Nam thành công trong việc thực hiện "mục tiêu kép".

Thủ tướng dẫn lại đánh giá của IMF rằng thành công ở Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển.

Thủ tướng: Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng - 2
Phiên họp thường trực cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 (ảnh: Quốc Chính).

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng nhắc lại việc một số lãnh đạo Sở Y tế địa phương bị khởi tố do vi phạm trong mua sắm thiết bị y tế thời gian qua, Thủ tướng đề nghị các ngành tài chính-ngân sách tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".

Các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm, trong đó Thủ tướng đặc biệt lưu ý sớm khánh thành tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Trong phiên họp cuối cùng này, Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ: "Triển khai Nghị quyết 120, chúng ta đã làm nhiều việc với kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn ngày càng khắc nghiệt. Nhiệm vụ phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài".

Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của WB, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch ĐBSCL, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL, nhất là các giai đoạn bị tác động của Covid-19 còn kéo dài.