Thủ tướng thông qua gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Ngày 10/5, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 13 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến việc giãn, giảm, miễn thuế sẽ phải được Quốc hội thông qua thì mới thực hiện.

Thủ tướng thông qua gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Tác động của gói giải pháp tài khóa đợt này là 29.000 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Chính sách tài khóa: Tập trung vào thuế

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, nền kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độc tăng thấp hơn so cùng kỳ năm 2011.

Theo đó, gói giải pháp này bao gồm việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập (TNDN) đối với một số doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối…

Về cơ bản, những nội dung chính trong gói hỗ trợ đã được Bộ Tài chính đưa ra trước đó và cũng đã nhận được nhiều phản hồi đa chiều từ giới chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, thời hạn nộp thuế VAT của tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2012 này sẽ được gia hạn thêm 6 tháng đối với một số đối tượng doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

Chính phủ cũng quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Khâu này được giao cho UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.

Ngoài ra, về thuế TNDN, Thủ tướng cũng cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính được thừa ủy quyền để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định giảm 30% phần phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hàng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các doanh nghiệp quy định tại nhóm 2 nêu trên).

Cùng với đó, giải pháp miễn thuế khoán VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011 cũng sẽ được trình lên Quốc hội xem xét cân nhắc.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, tác động tài chính của gói giải pháp này là 29.000 tỷ đồng và tác động thu ngân sách 2012 là 9.000 tỷ đồng.

Chính sách tiền tệ: Tạo điều kiện cho vay vốn

Trong Nghị quyết lần này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Tất nhiên, diện ưu tiên vẫn là 4 khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao NHNN thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ,...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Điểm đáng lưu ý ở chính sách lần này là tập trung vào những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Trong tiến trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Thủ tướng cũng thúc giục NHNN đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả bằng các biện pháp phù hợp.

Song, những biện pháp can thiệp này vẫn phải bảo đảm đúng pháp luật, ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân tiền gửi và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa rồi, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện tại, việc sáp nhập các ngân hàng vẫn đang được tiến hành, song thực hiện một cách thận trọng.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên website Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Một số ngân hàng đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thời các ngân hàng này tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị sau sáp nhập, hợp nhất. Nhiều ngân hàng yếu kém đã và đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đầu tư, tăng vốn và tham gia xử lý những khó khăn tài chính, đổi mới hệ thống quản trị.

Cho đến nay, nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã bày tỏ nguyện vọng và cam kết đầu tư vào các TCTD Việt Nam, kể cả ngân hàng yếu kém. Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện với sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Bích Diệp