“Giải cứu” doanh nghiệp: Nhà nước muốn vậy, còn thị trường thì sao?
(Dân trí) - Gói giải cứu doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ (không phải kích cầu) đã được tung ra. Một liều thuốc tổng hợp bao gồm thuốc bổ cực mạnh đã được tiêm vào cơ thể kinh tế đang nhuốm bệnh và hiệu quả sẽ ra sao?
Cứu ai hay ai được cứu? Đọc các nhóm giải cứu thì e rằng tình trạng xin - cho lại có nguy cơ tái xuất hiện. Ai được giảm thuế, giãn nợ phụ thuộc vào sự đánh giá cơ quan thuế và các ngân hàng bởi các tiêu chí rất chung chung. Muốn thực hiện được lại phải chờ hướng dẫn và độ trễ của chính sách vốn trễ lại trễ hơn. Bài học gói kích cầu hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2008 vẫn còn đó khi người ta vẫn băn khoăn và nghi ngờ về hiệu quả của nó.
Thông qua gói giải cứu này cho thấy những gì cần phải làm trong bối cảnh kinh tế suy thoái Chính phủ đã làm. Nhưng điều đó không phải là cây đũa thần ngay cả khi thực hiện các chính sách này được thực hiện nghiêm chỉnh. Bởi lẽ thị trường có quy luật riêng của nó mà khó biện pháp hành chính nào có thể can thiệp.
Cứu doanh nghiệp mới chỉ là một nửa của vấn đề bởi doanh nghiệp dẫu sao chỉ là một yếu tố của thị trường. Còn phía bên kia của thị trường là “cầu” hình như chưa thấy được quan tâm. Gói giải cứu dường như mới chú trọng vào vẫn đề sản xuất chưa chú ý đến câu chuyện tiêu thụ. Chính vì vậy, có thể nói đây là gói kích cung. Các ưu đãi về thuế, nguồn vốn giá rẻ có thực sự kích thích sản xuất, kinh doanh hay không hay chỉ là biện pháp để doanh nghiệp lấy tiền trả nợ và âm thầm rút khỏi thị trường? Điều này phu thuộc vào việc kiểm soát dòng tiền.
Sản xuất đình đốn là điều đáng lo. Nhưng lượng hàng tồn kho chất ngất và doanh nghiệp đang ôm đống hàng đó mà chờ chết là hiện thực vì sức mua quá yếu. Sản xuất để làm gì khi làm ra mà không bán được hàng. Chính vì vậy, có những doanh nghiệp không mặn mà hoặc dè dặt với gói giải cứu này là điều dễ hiểu.
Đúng là thời gian qua, doanh nghiệp gặp khó khăn khi khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; mặt khác thuế, phí làm gia tăng chi phí đầu vào. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là nền kinh tế đã bị bào mòn sức khỏe do lạm phát và đời sống nhân dân đi xuống. Sức mua kém vì thu nhập không theo kịp gia tốc của giá cả. Dân chúng cạn tiền.
Giãn thuế, giảm thuế nhưng không kiểm soát được các yếu tố gây tăng giá đầu vào của sản xuất như xăng, dầu, điện, than… thì nguy cơ đình lạm vẫn còn hiện hữu.
Kích cầu tiêu dùng nên đặt ra dù nhiều người vẫn né tránh dùng cụm từ này. Có lẽ bởi nhiều người còn bị ám ảnh bởi gói kích cầu 2008 chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Với số lượng ngân hàng quốc doanh áp đảo hiện nay, việc điều hành lãi suất bằng hành chính có thể thực hiện được. Nhưng ngân hàng dù có là quốc doanh đi chăng nữa cũng phải theo quy luật của thị trường nếu họ muốn tồn tại. Bởi vì, ngân hàng không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn là chủ thể của thị trường. Họ sẽ có sự dè dặt nhất định khi cho vay sản xuất khi biết doanh nghiệp làm ra hàng hóa mà không bán được cho ai bởi nợ xấu vẫn là nguy cơ lơ lửng trên đầu các các ngân hàng. Giải cứu địa ốc chẳng hạn. Chỉ có 30% người có nhu cầu thực mua nhà. 70% là giới đầu cơ. 30% đó chắc chắn chờ thị trường giảm sâu hơn nữa. 70% còn lại giới đầu cơ đang ôm nhà đất chờ chết thì ngân hàng nào dám cho vay?
Chính sách là sự phản xạ tất yếu của nhà nước đối với cơn nóng lạnh của thị trường. Chính sách đó có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc nó có được xây dựng trên cơ sở các quy luật của thị trường hay không?
TS. Đinh Thế Hưng