1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Người đứng đầu Chính phủ nhắc tới những dự án trọng điểm tại Quốc hội, trong đó sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, khởi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2021...

Trưa nay (10/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn tại Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.  

Việt Nam lọt top 16 nền kinh tế mới nổi

Theo Thủ tướng,  trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. 

"Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Năm 2020, trong bối cảnh Covdi-19, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá" - Thủ tướng cho hay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) về thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Thủ tướng: Sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Đoàn Bắc)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỷ USD, cần phải phát huy tinh thần này và tiếp tục kích cầu trong nước.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng phải giữ vững sản xuất nông nghiệp - chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc. 

Trong 5 năm, thu nhập người dân tăng 145%

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo 28 triệu việc làm mới. Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã góp phần làm nên 350.000 doanh nghiệp thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

"Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua" - Thủ tướng nói. 

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vào thời điểm đầu năm 2016 chỉ đạt 500 điểm nhưng đã sớm đạt kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với 1.200 điểm vào tháng 4 năm 2018. Dưới tác động của Covid-19 và suy thoái của kinh tế toàn cầu, chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ đô-la vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm.

"Mỗi năm chúng ta chứng kiến hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư đang đổ vào và hàng triệu việc làm đang được tạo ra trên khắp cả nước… Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng" - Thủ tướng cho hay.

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2021, Thủ tướng cho rằng đó là mức khiêm tốn, nhưng đây là chỉ tiêu an toàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng dẫn lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc hụt thu ngân sách năm 2020 rất lớn, do đó sẽ rất khó cân đối trong các năm tiếp theo. 

"Nếu tăng trưởng chỉ 6% thì năm 2021 hụt thu sẽ giảm khoảng 170.000 tỷ đồng so với năm 2020. Làm thế nào để đảm bảo cân đối theo dự toán?" - Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng: Sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ - 2

Việt Nam là một trong các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020

Nêu các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nói trên, Thủ tướng cho biết: Cần tăng cường đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để vượt 6% GDP, vì 1% GDP sẽ tạo ra 300.000 việc làm và giải quyết được tăng thu ngân sách, tất cả đều có lợi; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA; tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết như họp hành, đi nước ngoài; bám sát dự toán thu chi ngân sách, kiên quyết đảm bảo bội chi ngân sách Quốc hội giao không quá 4%; khi cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội "nới lỏng" chính sách tài khóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô...

"Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định" - Thủ tướng cho hay.

Sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thủ tướng Chính phủ cho biết kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025, riêng giao thông vận tải (GTVT) sẽ đầu tư 95.000 tỷ đồng cho 38 dự án, đặc biệt là các dự án đường ven biển Cà Mau - Kiên Giang - Bạc Liêu - Trà Vinh - Tiền Giang. Đây là con đường then chốt để phát triển liên vùng các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; đường Hồ Chí Minh - Vũng Tàu sắp hoàn thành; TP.HCM - Tây Ninh muộn nhất là đầu năm 2021 sẽ khởi công; đường vành đai 3 TP.HCM... 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới những dự án trọng điểm khác như: Khởi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2021, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sau nhiều năm chậm trễ. 

Thủ tướng: Sắp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ - 3
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Đối với khai thác hàng không, Thủ tướng khẳng định hàng không thế giới đều đóng cửa vì Covid-19, nhưng hàng không Việt Nam đã và sẽ được Chính phủ hỗ trợ hết sức cho thị trường trong nước. 

Thủ tướng lưu ý, trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì Việt Nam vẫn phải kiểm soát tốt, ở đây là kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. "Miếng bánh của chúng ta chỉ có vậy. Cha ông ta thường hay nói nói: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tập trung chỉ đạo sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm