Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “nóng” tại Quốc hội, Bộ trưởng GTVT nói gì?
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng đó là dự án cấp bách nhưng khi triển khai có nhiều vấn đề. Dự án chậm tiến độ, “đội” vốn gây bức xúc trong dư luận.
Sáng nay (3/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021.
Hàng chục tỷ USD "lụt" theo dự án chậm tiến độ
Trong phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu ra vấn đề phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Hiện nay việc tập trung xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp cứu cánh để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mang tính then chốt của cả 2 TP. Hà Nội và TP.HCM.
Với 8 dự án đang được thực hiện ở 2 thành phố, tổng mức đầu tư cho 224km đường sắt đô thị tại TP.HCM khoảng 25 tỷ USD, Hà Nội 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và rất cấp bách tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng triển khai có nhiều vấn đề.
Các dự án đều có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ nhiều lần, liên tục "đội" vốn, gây bức xúc trong dư luận như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên...
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại tình trạng như các dự án này.
"Hiện nay các dự án đường sắt đô thị mới chỉ chú ý về tính khả thi, tài chính, kỹ thuật, ít chú ý tới sự liên kết phát triển không gian đô thị. Vì vậy, các dự án đường sắt đô thị dường như chỉ là một hệ thống nhập khẩu, là phép cộng thuần tuý cho một loại hình giao thông mới" - ông Thường nói và cho rằng để đường sắt đô thị tồn tại và phát triển đúng nghĩa phải tiện dụng, kết nối thuận lợi, thu hút người đi.
Cùng đó, đại biểu đoàn Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc lựa chọn, chỉ định thầu các dự án đường sắt đô thị. Khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như giải phóng mặt bằng, nhất là hợp đồng EPC, vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính thì sẽ rất rắc rối sau này.
Bộ trưởng Giao thông nói gì?
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải trình trước Quốc hội: Xây dựng cơ bản năm 2020 tốt nhất trong 5 năm của nhiệm kỳ này. Năm 2020, ngành GTVT được bố trí 40.000 tỷ đồng, đến ngày 30/10/2020, đã giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng, tương đương 73%, cao hơn mức trung bình cả nước 13%. Đây là bài học quý báu để thực hiện trong các năm tiếp theo.
Bộ trưởng GTVT cho biết: Đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, tuy nhiên thời gian qua bộc lộc nhiều vấn đề, đặc biệt làm chậm tiến độ. Chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, đấu thầu, đặc biệt là các dự án EPC để tránh việc phải điều chỉnh giá.
"Bộ GTVT xin tiếp thu và cùng các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ để có những dự án tốt hơn, không xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua. Sẽ có những dự án tốt hơn, thi công nhanh hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin về phát triển giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được đầu tư, đặc biệt là cao tốc. Theo ông Thể, hiện Đồng bằng Sông Cửu Long có 40km đường cao tốc, thời gian tới sẽ có thêm các dự án và nâng tổng số đường cao tốc tại vùng kinh tế này lên hơn 300km nhằm đánh thức tiềm năng của vùng đồng bằng này.
Tăng trưởng 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến - đoàn Hà Nội: Tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, Covid - 19 vẫn còn là khái niệm xa lạ. Đến nay, trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời. Việt Nam là một trong 2 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng dương và là nước duy nhất tại ASEAN tăng trưởng dương; cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực.
Đặt vấn đề "mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 bao nhiêu là phù hợp?", đại biểu này cho rằng trong trạng thái bình thường mới thì chỉ tiêu tăng GDP từ 6 - 6,5% là hợp lí và hoàn toàn có thể đạt được.
Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.
"Vấn đề năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động" - đại biểu Chiến nói và đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…