Thủ tướng: "Làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm!"

(Dân trí) - Trước những phản ánh về khó khăn gặp phải trong hoạt động xuất khẩu, tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 diễn sáng nay (ngày 26/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Nếu nghe được những ý kiến đó sớm sẽ góp phần giúp các đồng chí giải quyết”.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hội nhập: Cơ hội song hành với thách thức

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (ngày 26/2), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, hiện nay phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dưới dạng thô, chưa có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng thấp nên hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài nên gặp nhiều bất lợi khi thị trường thế giới gặp vấn đề về giá cả hay cung cầu.

“Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra những cơ hội về thị trường, có tác động tích cực tới xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong khi xu hướng áp dụng rào cản kĩ thuật, phòng vệ thương mại sẽ gây cản trở trong mở rộng thị trường. Đặc biệt là trong bối cảnh sản phẩm Việt Nam chậm cải thiện chất lượng, đặc biệt an toàn thực phẩm và các quy chuẩn kỹ thuật”, Thứ trưởng nói.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), trong bối cảnh hội nhập, ngành thuỷ sản đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đáng lưu ý, đã có hơn 10 quốc gia sử dụng truyền thông để nói thông tin không khách quan về sản phẩm của Việt Nam như: ô nhiễm, bẩn, biến đổi gen…

“Truyền thông bôi nhọ có thể tác động ngay lập tức đến tiêu thụ sản phẩm và tâm lý của ngay cả những người chưa từng biết đến sản phẩm Việt Nam. Do đó, tôi mong ngành công thương, nông nghiệp phối hợp để hoá giải những thông tin đó, mang lại thông tin trung thực, đầy đủ nhất về hàng hoá Việt Nam”, ông Nam nói.

Thừa nhận cơ hội to lớn mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mang lại nhưng ông Nam cũng cho rằng, sản xuất trong nước phải đối mặt với nhiều cạnh tranh khác về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như nhiều rào cản thương mại mà các nước đối tác đặt ra.

“Ngành thuỷ sản đối mặt nhiều hơn với rào cản về kĩ thuật. Ví dụ như với danh mục kháng sinh bị cấm ngày càng nhiều hơn với hàm lượng thấp hơn; Hoa Kỳ và châu Âu chống đánh bắt bất hợp pháp; các quy định về ghi nhãn, xuất xứ ngày càng nhiều hơn rồi các rào cản phi kỹ thuật mang tính thủ tục hành chính, chống bán phá giá, trợ cấp cũng được áp dụng nhiều hơn…”, ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận, năm 2015 xuất khẩu của tỉnh gặp không ít khó khăn do chịu áp lực từ rào cản của các nước nhập khẩu. Trong khi đó, sự phối hợp giữa khâu trung gian là doanh nghiệp và thương vụ còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò kết nối thị trường.

Kinh tế là chính trị!

Trước những phản ánh về khó khăn gặp phải trong hoạt động xuất khẩu, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi cảm thấy rất tiếc là tôi cũng quan liêu. Nếu nghe được những ý kiến đó sớm sẽ góp phần giúp các đồng chí giải quyết”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Khi bước vào nhiệm kỳ thách thức rất lớn, đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau đó là nền kinh tế phục hồi chậm, giá cả diễn biến không lường được, diễn biến phức tạp. Tình hình chính trị thế giới phức tạp, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ… Tất cả đã tác động trực tiếp vào Việt Nam".

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã hội nhập rất sâu khiến ranh giới thị trường trong nước và thế giới gần như không còn rõ. Với 14 FTA đã ký kết, trong đó 2 Hiệp định thế hệ mới, bên cạnh thời cơ sẽ có khó khăn, đòi hỏi quyết tâm rất lớn. Theo đó, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thể chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, trong mỗi thông tư, một chữ, một chấm phẩy cũng có thể gây khó khăn nên cải cách hành chính phải theo kinh tế thị trường hiện đại. Tham tán không chỉ xúc tiến bán hàng, thấy họ thủ tục thế nào nhanh thế thì kiến nghị sửa. Đồng thời, phải tận dụng tối đa hiệp định đã có, tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi để phát huy cho hết.

"Chính tôi đi gặp Bush nói về thanh long; gặp Obama, nói tới luật Nông trại của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến cá basa. Gặp Thủ tướng Hàn Quốc nói tới trái dừa, Úc nói tới vải, Nhật nói tới trái xoài… Các đồng chí tham tán phải làm. Như tôi và ông Vũ Huy Hoàng đàm phán kinh tế Á - Âu, Thủ tướng Armenia tặng 2 chai rượu ngon và nói Việt Nam cần mở cửa thị trường. Tôi có lấy về, mở mời anh Vũ Huy Hoàng uống. Kinh tế là chính trị", Thủ tướng nói.

Ông cũng nhấn mạnh: "Từ quan hệ giới chức tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chuỗi để chen chân vào chuỗi giá trị, doanh nghiệp phải làm nhưng cầu nối phải là anh tham tán, tham gia làm, cùng chung sức mới tận dụng hết thời cơ, khắc phục khó khăn từ hiệp định thương mại. Xuất khẩu càng nhiều càng có tăng trưởng, càng có công ăn việc làm. Nông thủy sản xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, giảm xuống nông dân khổ không biết đến thế nào… Cũng phải theo sát, đấu tranh với bạn hạn chế rào cản không hợp lý".

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, kiện toàn cơ quan tham vụ trong thời kỳ mới. Trong đó, ông nhấn mạnh: "Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Đất nước nghèo, các đồng chí đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, đấu tranh với không lành mạnh, như tung tin sản phẩm Việt Nam nhiễm dioxin. Đề nghị VCCI theo dõi, thấy có rào cản không phù hợp cam kết thì đấu tranh".

“Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh..

Phương Dung

Thủ tướng: "Làm ăn tốt tướng đi cũng khác, nợ nần tướng đi co ro lắm!" - 2