Thủ tướng: TPP giải quyết thách thức đương đại của nền kinh tế
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài viết nhận định với tiêu đề “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta”.
Trong bài viết này, Thủ tướng nhận định TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới và còn là những trải nghiệm rút ra từ thực tiễn hội nhập của nước ta sau khi ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…”, Thủ tướng đánh giá.
TPP giúp giải quyết thách thức đương đại của nền kinh tế
Theo đánh giá của Thủ tướng, cùng với các FTA khác, TPP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do ở mức độ cao hơn của hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi thuế quan; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
“Qua đó đem lại lợi ích nhiền hơn cho sản xuất kinh doanh, người lao động cũng như người tiêu dùng”, bài viết nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 12 nước thành viên; tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân;
Đáng lưu ý, Thủ tướng kỳ vọng TPP góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại; bảo đảm cơ hội để các nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể được hưởng lợi; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển.
TPP cũng sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18 nghìn tỷ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20 nghìn tỷ USD. Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các Hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.
"Xuất khẩu và đầu tư có vai trò quyết định cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống dân cư, nhất là trong điều kiện thu nhập bình quân đầu người và tiêu dùng nội địa của nước ta còn thấp. Tăng tỷ trọng xuất nhập khẩu với các thị trường này cũng làm cho quan hệ thương mại với các nước cân bằng hơn", Thủ tướng nhìn nhận.
Thách thức luôn ẩn chứa trong cơ hội
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, TPP đặt ra cả những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.
Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị doãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.
Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý. Nội dung về lao động - công đoàn cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả hệ thống chính trị của nước ta.
Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể – Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.
"Điều cần nhấn mạnh là, trong các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội – đây cũng là biện chứng của tiến trình phát triển", bài viết nêu rõ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Tuy vậy, Thủ tướng thừa nhận, doanh nghiệp không thể tự mình quyết định được tất cả mà phải hành động trong khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.
"Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp", Thủ tướng viết.
Phương Dung