Thủ tướng “giải” mối lo nợ công

(Dân trí) - Thủ tướng cho biết, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, Chính phủ sẽ giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả, kiểm soát chặt các khoản nợ.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về việc giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Tại văn bản này, Thủ tướng cho biết, đến ngày 31/12/2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP, trong phạm vi quy định.

Tuy nhiên, dư nợ công những năm qua đã tăng từ năm 2011 đến năm 2015 tăng thêm khoảng 7%GDP, do yêu cầu phải tăng vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu dư nợ công không quá 65%GDP (ảnh: Quochoi.vn)
Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu dư nợ công không quá 65%GDP (ảnh: Quochoi.vn)

Thu ngân sách khó khăn trong khi nhu cầu chi tăng lớn, để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) nên bội chi NSNN cũng duy trì ở mức cao. Cụ thể, năm 2011: 4,4%GDP; năm 2012: 5,4%GDP; năm 2013: 6,6%GDP; năm 2014: 5,3%GDP; năm 2015: 5%GDP).

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến mức bội chi NSNN bình quân tính theo Luật NSNN hiện hành khoảng 4,9%GDP; đồng thời đặt mục tiêu dư nợ công không quá 65%GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP.

Thủ tướng cho biết, để đạt được định hướng về dư nợ công và bội chi NSNN nêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức cao hơn giai đoạn 2011 - 2015, tạo điều kiện tăng thu NSNN, giảm áp lực chi NSNN về an sinh xã hội.

Đáng chú ý là Thủ tướng cho biết, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, Chính phủ sẽ giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại, để giảm thiểu phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ…

Theo một số liệu được Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cung cấp mới đây, nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4% GDP. Căn cứ vào số liệu do Chính phủ công bố về GDP Việt Nam cuối năm 2014 của là 186,2 tỷ USD thì có thể ước tính khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh hiện đạt khoảng hơn 21 tỷ USD.

Về phương án giảm bội chi NSNN, trong nhiều phương án được đưa ra, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định sẽ triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công kết hợp xã hội hóa, cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả chi, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN.

Bích Diệp

 

Thủ tướng “giải” mối lo nợ công - 2