Nợ công Việt Nam tăng gấp đôi sau 15 năm

(Dân trí) - Số lượng nợ công và nợ được đảm bảo bởi nhà nước dự đoán tăng từ 59,5% GDP vào năm 2014 lên 62,4% năm 2015, gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và cao hơn mức trung bình trong khu vực và giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Theo một báo cáo được Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) công bố mới đây, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đã vượt quá tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng, tạo ra các hạn chế đáng kể cho sự phát triển và đầu tư trong tương lai.

Cụ thể, nhu cầu lớn về đầu tư cho cơ sở hạ tầng (CSHT) ước tính khoảng 10-12% GDP mỗi năm từ năm 2015 đến năm 2020, vượt xa khả năng ngân sách Chính phủ có thể chi trả.

Theo đánh giá tại bản báo cáo, các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư CSHT trong tương lai của Việt Nam đã lên đến mức vượt qua khả năng thanh toán, một phần là do tập trung vào tăng mức đầu tư tuyệt đối chứ không chú ý đến hiệu quả của đầu tư.

Theo đó, việc đầu tư CSHT công một cách manh mún là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới đầu tư không hiệu quả. Trong cơ cấu quản lý phân cấp ở mức độ cao của Việt Nam, các tỉnh lựa chọn và thực hiện các dự án CSHT riêng tại tỉnh mình và thường cạnh tranh với nhau.

Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng
Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng

Trong quá khứ, các dự án CSHT tại Việt Nam được tài trợ phần lớn từ ngân sách Chính phủ thông qua chương trình đầu tư trái phiếu của Chính phủ và phát hành trái phiếu thành phố. Bên cạnh đó, ODA – bao gồm các khoản vay lãi suất thấp cũng là một nguồn tài trợ quan trọng cho phát triển CSHT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực vay trong nước và nước ngoài đã bắt đầu đè nặng lên nợ công của Chính phủ. Thâm hụt dự kiến sẽ tăng lên đến 6,5%GDP trong vài năm tiếp theo từ mức ước tính khoảng 5,3% năm 2015. Số lượng nợ công và nợ được đảm bảo bởi nhà nước dự đoán tăng từ 59,5% GDP vào năm 2014 lên 62,4% năm 2015.

Bản báo cáo cho hay, nếu như các nền kinh tế thu nhập thấp thường có tỷ lệ nợ công giảm thì tại Việt Nam xu hướng này lại ngược lại. Nợ công và các khoản nợ do nhà nước đảm bảo gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và cao hơn mức trung bình trong khu vực và giữa các nền kinh tế có thu nhập thấp.

Trong khi đó, vay trong nước, Việt Nam có khoảng 110 loại trái phiếu Chính phủ đã được phát hành, bao gồm các loại trái phiếu thành phố, trái phiếu doanh nghiệp nhà nước với tổng dư nợ khoảng 36,55 tỷ USD tính tới cuối tháng 9/2015 – tăng khoảng 265% so với năm 2008 và tương đương khoảng 21%GDP.

Việc tăng nợ công là kết quả của một nền tài chính lỏng lẻo, phản ánh thâm hụt ngân sách lớn và gần đây là khoảng trống về ngân sách. Tăng nợ công kéo theo chi thường xuyên cao hơn cùng thời kỳ trong khi nguồn vốn chi đầu tư vẫn hầu như không thay đổi, tính theo tỷ lệ GDP.

Một báo cáo của IMF đánh giá, kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, nợ công của Việt Nam đang nhanh chóng đến mức độ không an toàn (mức an toàn nên trong khoảng 40-50% GDP).

“Duy trì quỹ đạo chính sách hiện tại sẽ dẫn đến nợ công cao hơn kể cả tiếp tục kiềm chế chi tiêu” – các đối tác phát triển lo ngại.

Vì vậy, để tiếp tục phát triển CSHT và giảm áp lực lên nợ công, các đối tác cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần tích cực dỡ bỏ các rào cản hành chính nhằm nâng hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức; nâng cao vai trò hợp tác công ty (PPP); đẩy nhanh việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ.

Bên cạnh đó, các đối tác cũng khuyến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tài trợ dự án tiếp cận tốt hơn với các thị trường trái phiếu tại ASEAN+3.

Bích Diệp

 

Nợ công Việt Nam tăng gấp đôi sau 15 năm - 2