Thứ trưởng GTVT: Không thể “đổ lỗi” chậm, huỷ chuyến bay cho khách quan!
(Dân trí) - Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: “Khi chậm chuyến, huỷ chuyến bay xảy ra mà không có động thái gì với hành khách thì đó rõ ràng là lỗi của các cơ quan, đơn vị chức năng, không thể đổ lỗi cho khách quan”.
Chiều qua, tại cuộc tọa đàm "Cách nào giảm chậm, huỷ chuyến bay trong cao điểm Tết" do báo Giao thông tổ chức, thực trạng chậm, hủy chuyến bay và các giải pháp giải quyết đã được trao đổi thẳng thắn.
Phải có động thái tích cực với hành khách
Đề cập tới kế hoạch đảm bảo an toàn GTVT dịp Tết sắp tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, quan điểm của Bộ GTVT trong công tác phục vụ hành khách, nhất là những dịp trước, trong và sau Tết luôn nhất quán là phải đảm bảo sự đi lại của người dân với chất lượng dịch vụ tốt nhất trên tất cả các lĩnh vực, từ đường bộ, hàng hải, đường thủy, đường sắt, hàng không.
Bộ GTVT đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này và có kế hoạch cụ thể triển khai. Tinh thần chung là các đơn vị thuộc Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để đảm bảo ATGT và phục vụ người dân đi lại thuận lợi nhất.
Về hàng không, thời gian qua, tình trạng chậm hủy chuyến bay vẫn diễn ra, nhất là vào các giờ cao điểm, gây bức xúc cho hành khách, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, các hãng và doanh nghiệp hàng không phải xác định, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là an toàn, an ninh.
“Điểm quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhất hành khách. Khi một chuyến bay cất cánh, rất nhiều đơn vị chức năng, từ dịch vụ mặt đất, cảng hàng không, hãng hàng không đều có trách nhiệm liên quan” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
So với các năm trước đây, chất lượng dịch vụ hàng không năm 2017 có sự cải thiện đáng kể, từ khâu bán vé, đưa đón, vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng không, không thể tránh khỏi việc chậm, hủy chuyến, bởi có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thậm chí là bất khả kháng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, chậm hủy chuyến do khách quan như thời tiết, thiên tai là bất khả kháng nhưng để người dân hiểu và chia sẻ, các đơn vị phải thông tin cho hành khách kịp thời hơn, mong hành khách chia sẻ hơn. Còn chậm huỷ chuyến do nguyên nhân chủ quan, chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, điều này liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực... tất cả những điều này phải kiên quyết khắc phục.
“Khi chậm chuyến, huỷ chuyến bay xảy ra mà không có động thái gì với hành khách thì đó rõ ràng là lỗi của các cơ quan, đơn vị chức năng, không thể đổ lỗi cho khách quan.
So với những năm trước, ngành hàng không đã nỗ lực rất nhiều, nên số chuyến bay chậm, huỷ giảm hẳn. Tuy nhiên, chúng ta không được phép tự bằng lòng mà phải nỗ lực từng công đoạn, từng khâu để có thể giảm tối đa chậm, huỷ chuyến.” - Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này. Một trong những giải pháp rất quan trọng là tăng khoảng 5.000 chuyến bay phục vụ người dân đi lại. Cùng đó, là nâng cao chất lượng, đảm bảo điều hành bay hợp lý.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, các khâu nếu được tổ chức tốt, sẽ nâng cao năng lực khai thác và kéo giảm được tình trạng chậm, hủy chuyến. Ngành hàng không phải có giải pháp đồng bộ, từ hoạt động điều hành bay, tăng năng lực hãng vận chuyển đến tổ chức khai thác khoa học, hợp lý tại các cảng hàng không; từ nơi đỗ xe, đón khách, an ninh đến phối hợp với các lực lượng hải quan, xuất nhập cảnh... mới có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách đi máy bay.
Chậm 4 tiếng phải bù tiền cho khách
Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, ở góc độ thị trường, yêu cầu đặt ra đối với một hãng hàng không là các chuyến bay phải đảm bảo an toàn, đúng giờ và giá vé hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả. Thực chất, đây là 3 vấn đề mang tính đối nghịch nhưng các hãng hàng không phải dung hoà được thì mới có chất lượng dịch vụ tốt. Vấn đề nằm ở khả năng quản trị của từng hãng hàng không.
Về phía cơ quan quản lý cao nhất về hàng không, ông Bùi Minh Đăng - Phó trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - đánh giá, trong bối cảnh lượng khai thác tăng cao nhưng điều kiện khai thác còn những bất cập, việc các hãng hàng không Việt Nam có tỉ lệ chuyến bay đúng giờ như trên là rất khả quan, khá cao so với tỉ lệ trung bình của thế giới là 75-79%. Còn hãng hàng không đứng đầu thế giới hiện nay về tỉ lệ bay đúng giờ đạt 92%.
“Dù có những thời điểm như dịp lễ Tết, thiên tai, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam có giảm nhưng nếu so sánh với khu vực thì vẫn chấp nhận được” - ông Đăng nói.
Trước nghi ngại của dư luận về tính chính xác của số liệu thống kê, ông Đăng khẳng định, Cục Hàng không có kênh thống kê chuẩn xác, phản ánh đúng thực trạng hoạt động của các hãng hàng không. Ông Đăng cho biết đa số chuyến bay chậm giờ kéo dài dưới 1 tiếng, số chuyến bay chậm trên 4 tiếng chỉ chiếm rất ít, khoảng 4%.
Theo quy định, nếu chuyến bay chậm 2 tiếng, hành khách được phục vụ nước; chậm 3 tiếng được phục vụ ăn; chậm 4 tiếng trở lên hãng phải đền bù bằng tiền. Đối với chuyến bay chậm từ 6 tiếng trở lên, ngoài việc chi trả đền bù, hãng phải lo chỗ nghỉ cho khách, khách hoàn toàn có quyền hoàn trả vé cho hãng.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị, tăng dự phòng vật tư, thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố kỹ thuật máy bay, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên…, các hãng hàng không cũng khuyến cáo hành khách tăng cường sử dụng dịch vụ web check-in, kios check-in để giảm thiểu thời gian chờ đợi ở sân bay.
Đặc biệt là vào dịp cao điểm, thông tin trong nhà ga, dịp cao điểm Tết rất đông, hệ thống loa phát thanh của nhà ga sẽ giảm tác dụng nên khách cần thường xuyên theo dõi thông tin về chuyến bay qua hệ thống bảng điện tử, chủ động ra cửa máy bay đúng giờ.
Châu Như Quỳnh