Thứ trưởng Công Thương: “Bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn giá xăng dầu”
(Dân trí) - “Hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tiếp tục được chúng tôi xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, việc giữ quỹ là phù hợp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ với Dân Trí quan điểm về sự tồn tại của quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí xung quanh sự tồn tại của quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo Nghị định 83, mục đích của quỹ BOG xăng dầu không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào.
Đây chính là phần trích để phòng khi có sự tăng giá đột ngột trên thị trường thế giới thì sẽ tránh được những “cú sốc” cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước.
“Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi thấy rằng, với sự điều hành quỹ bình ổn này, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt”, ông Hải nhìn nhận.
Đặc biệt, theo đại diện Bộ Công Thương, vào những dịp như trước Tết, nếu xăng dầu tăng theo đúng công thức 15 ngày một lần có thể sẽ gây rất nhiều biến động với những mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, rất nhiều dịp ở Việt Nam, vẫn có tâm lý nếu mặt hàng xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng khác. Trong trường hợp đó, từ những người lao động, người tiêu thụ bình thường cho đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, việc tăng giá đột ngột sẽ có sự ảnh hưởng.
“Hiện nay, quỹ BOG xăng dầu sẽ tiếp tục được chúng tôi xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83. Với tác dụng của nó, việc giữ quỹ trong thời điểm hiện nay là phù hợp”, ông Hải nói.
Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều quanh sự tồn tại và vai trò của quỹ BOG xăng dầu. Một số chuyên gia đã góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực.
Phát biểu trên báo chí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) từng cho rằng, quỹ BOG xăng dầu chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn. Khi đó, quỹ sẽ giúp giảm cú “sốc” tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi “lạm thu” quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số dư quỹ BOG xăng dầu đến hết quý I/2017 còn 2.864,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng số kết dư quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã lên tới 2.011 tỷ đồng.
Ngược lại, có tới 8/27 doanh nghiệp đầu mối âm quỹ BOG, điển hình là Công ty Cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS âm hơn 30 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt âm hơn 24 tỷ đồng, Công ty TNHH TM&DV Long Hưng âm hơn 19 tỷ đồng, Cty TNHH Xăng dầu Hồng Đức âm hơn 17 tỷ đồng…
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 10 kỳ điều chỉnh với 4 lần giảm, 3 lần giữ nguyên và 2 lần tăng. Trong các lần điều chỉnh gần đây, công cụ quỹ BOG xăng dầu được cơ quan điều hành sử dụng khá phổ biến.
Trong kỳ điều chỉnh trước, cơ quan điều hành cho phép giữ nguyên mức trích lập quỹ BOG xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành; đồng thời, giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn ở mức 0 đồng/lít.
Sau khi trích lập quỹ, giá xăng RON 92 được giảm 211 đồng/lít xuống còn 17.063 đồng/lít, xăng E5 giảm 197 đồng/lít xuống còn 16.871 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng lần lượt giảm 343 đồng/lít với dầu diesel xuống còn 13.260 đồng/lít; dầu hỏa giảm 261 đồng/lít xuống còn 11.792 đồng/lít và dầu mazut giảm 6 đồng/kg xuống 10.892 đồng/kg.
Bích Diệp