Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quản lý thế nào với condotel- loại hình đầu tư bất động sản mới?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển cho phép nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng trong có công trình condotel. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến loại hình này cần được làm rõ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã cho biết như tại Hội thảo Đầu tư Condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp do BizLIVE tổ chức tại Bình Định chiều 16/3.

Ông Sinh cho biết, từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển cho phép nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng trong có công trình condotel.

Tuy nhiên theo ông Sinh, đây là loại hình mới, pháp luật chưa ghi nhận cụ thể ở Luật Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở... Do đó, việc triển khai thực hiện các dự án condotel trong thời gian qua chưa thật thuận lợi cho cả địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, cho nhà đầu tư dự án trong việc kinh doanh và bán sản phẩm.

Phân tích về một số nội dung còn vướng mắc đối với loại hình mới này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đầu tiên phải kể tới các vấn đề về pháp lý như: đất đai liên quan đến condotel chưa có quy định sử dụng, các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng chưa rõ ràng…

“Ngoài ra, chỉ tiêu dân số đối với các công trình condotel chưa có. Hiện mới có chỉ tiêu dân số với khu vực nhà ở, chưa có đối với condotel nên nếu không có quy định bổ sung sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu dân số địa phương”, ông Sinh cho biết.

Ngoài ra theo ông Sinh, về quản lý condotel, loại hình bất động sản này có cơ chế vận hành khác với chung cư. Nếu như chung cư có ban quản lý thì đối với condotel, chủ đầu tư có thể tự vận hành hoặc thuê đơn vị vận hành riêng…

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù đang tăng trưởng rất nhanh song khung pháp lý condotel vẫn chưa được rõ ràng. Từ condotel chưa xuất hiện trong luật. Tuy nhiên nếu hiểu nó là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thì nó xuất hiện trong Luật du lịch.

“Nếu nó được mua bán thì cũng cần cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Tuy nhiên có vướng mắc đó là nếu được cấp thì cấp theo thời hạn bao lâu, lâu dài hay 50, 70 năm? Có ý kiến cho rằng nếu nằm trong dự án du lịch thì nó nên được cấp theo thời hạn của dự án là từ 50-70 năm”, ông Nam nêu quan điểm.

Phát triển condotel đang “nóng”?

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nếu tính trên phạm vi cả nước thì số lượng condotel chưa phải nhiều. Song tại một số địa phương lại có tình trạng tăng “nóng” condotel. Trong đó, “nóng” nhất theo ông Tuấn phải kể tới Đà Nẵng, Nha Trang…

Do vậy ông Tuấn cho rằng, việc hoạch định chiến lược cho loại hình này là cực kỳ quan trọng. Mỗi điểm đến có một ngưỡng chịu tải phù hợp. Từ nay đến 2020, dự kiến Đà Nẵng tăng 13.000-15.000 sản phẩm condotel. Vấn đề đặt ra là, khách du lịch được dự báo tăng hơn 2 lần so với mức tăng năm 2017.

“Điều này là không thể vì nếu muốn lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bùng nổ thể còn phụ thuộc vào cân bằng hạ tầng và quảng bá xúc tiến về du lịch của thành phố. Phú Quốc cũng đang diễn ra tình trạng dư thừa condotel. Trên phạm vi cả nước, việc hoạch định condotel là quan trọng nếu không mất cân đối sẽ xảy ra, vì số lượng khách quốc tế phải phù hợp với hạ tầng”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh thêm, số lượng khách du lịch vào mỗi địa phương là khác nhau do vậy phải tính toán, xây dựng được kế hoạch cụ thể thì mới đảm bảo cung cầu, tránh được việc thừa thiếu hay tăng trưởng quá “nóng” condotel.

Nguyễn Khánh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quản lý thế nào với condotel- loại hình  đầu tư bất động sản mới? - 2