Thứ trưởng Bộ Tài chính kể chuyện đi bán “niềm tin”

Bà Lê Thị Băng Tâm kể về chuyến đi phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế: Thay vì mức 500 triệu USD Chính phủ đã quyết, tôi phải điện ngay về nhà xin ý kiến đồng ý cho tăng lượng trái phiếu phát hành lên thêm 250 triệu USD.

Lo và mừng

Một ngày cuối năm, trong căn phòng làm việc nhỏ tại tầng 2 trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm - Người dẫn đầu đoàn quân đi  phát hành trái phiếu – kể:

Lần đầu phát hành 750 triệu USD TPCP, Việt Nam đã có  225 nhà đầu lớn tham gia đăng ký, với lượng đặt mua lên tới 4,5 tỷ USD; gấp 6 lần lượng TPCP VN phát hành.

30 giây sau khi được định giá phát hành ở thị trường thứ cấp, TPCP Việt Nam đã được giao dịch trên thị trường thứ cấp và đến ngày 1/11/2005, giá TPCP VN vẫn tăng lên 10 điểm so với lúc định giá phát hành.

“Từng ấy ngày của chuyến đi road show (quảng bá) TPCP từ 20 - 28/10/2005, xuyên các trung tâm tài chính Hồng Kông, Singapore, New York và Boston, đoàn chúng tôi chẳng có nổi một bữa trưa tử tế.

Lịch làm việc thì dày đặc: Ban ngày lo giới thiệu, tiếp xúc và trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư; tối về lại cùng tư vấn ngồi điểm lại toàn bộ diễn biến rồi chuẩn bị cho cuộc gặp kế tiếp.

Mỗi đêm chỉ ngủ vài ba tiếng. Ngồi trên máy bay từ Singapore, sang Hồng Kông, London, New York...ngoài bữa ăn, còn lại chút thời gian nào là khư khư ôm tài liệu đọc.

Lúc chưa sang đến nơi thì lo TPCP ít  ai để ý. Khi biết các nhà đầu tư - Nhất là những quỹ đầu tư lớn, công ty bảo hiểm sừng sỏ, hay cả những ngân hàng ở châu Âu, châu Mỹ quan tâm rồi thì lại lo trả lời các câu hỏi làm sao cho thuyết phục được họ.

Mừng nhất khi cuối một buổi gặp nghe mấy nhà đầu tư nổi tiếng khó tính của châu Âu đùa: “Việt Nam cứ như cô công chúa ngủ mãi không dậy, làm chúng tôi đợi mãi”.

Xin chữ ký từng thành viên Chính phủ

Xuyên suốt chuyến đi, có mấy “mốc” dù đã xin phép Thủ tướng được quyền chủ động nhưng bà Tâm vẫn cảm thấy khó khăn. Trước số lượng nhà đầu tư đồng ý mua cao, bà kể:

“Thay vì mức 500 triệu USD Chính phủ đã quyết trước khi đi, tôi phải điện ngay về nhà xin ý kiến đồng ý cho tăng lượng trái phiếu phát hành lên thêm 250 triệu USD.

Hôm đó là thứ Bảy, Chủ nhật, để Chính phủ “ra” được Nghị quyết, “quân” của Bộ Tài chính đã phải cầm văn bản đến từng nhà các Bộ trưởng thành viên xin chữ ký.

Lúc ở nhà, Chính phủ đã dự kiến mức lãi suất của trái phiếu vào khoảng 7,5%/năm (sở dĩ chúng ta phải tính cao là vì  hệ số tín nhiệm của VN được đánh giá ở mức rủi ro cao, trái phiếu chính phủ khó hấp dẫn -NV). Tuy nhiên, khi hoàn thành “cua” tiếp xúc với thị trường, tôi xác định lãi suất- 7,25%/năm vẫn có thể cho thành công.

1 ngày trước thời điểm công bố đóng sổ, thấy lượng trái phiếu đăng ký của nhà đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD, sau khi đã cùng nhà tư vấn giải bài toán lãi suất, chúng tôi quyết định “tung” ra mức - 7,125%/năm.

Gần như cả đêm hôm ấy tôi mất ngủ vì chỉ lo mức này có thể làm “sụt” lượng trái phiếu đăng ký. Rất may tất cả gần như giữ nguyên (cười...). Bớt một điểm lãi suất, chúng ta đã “đỡ” cho đất nước việc trả nợ một khoản tiền lớn”.

“8 ngày rong ruổi khắp thị trường tài chính thế giới, điều gì khiến bà suy nghĩ nhiều nhất?”.

Giọng vị nữ Thứ trưởng lắng lại: “Tôi luôn cầu mong những ngày ấy trong nước không xảy ra bất cứ một động thái không tích cực nào liên quan đến kinh tế, vì chỉ cần một thông tin không hay về dịch cúm hay lạm phát có thể quyết định thái độ của nhà đầu tư đối với trái phiếu của chúng ta”.

Câu chuyện của niềm tin

“Còn kỷ niệm?”. Bà cười (nụ cười làm bà trẻ hơn nhiều): “Chuyến đi đã cho tôi hai “khoảnh khắc” không thể nào quên.

Đáng sợ, đó là chuyến bay từ New York đi Boston. Hôm đó bão to, mưa mù mịt, máy bay mấy lần rơi tự do, tôi sợ đến mức cứ bấu chặt vào ông khách nước ngoài ngồi cạnh đến mức ông ấy phải quay sang hỏi: “Sao bà bấu tay tôi?”.

Còn giây phút xúc động nhất và có lẽ không bao giờ lặp lại là khi người cầm trịch sàn của giao dịch chứng khoán New York đưa tay nhấn nút chuông công bố TPCP Việt Nam đã được chính thức phát hành trên toàn cầu.

“Khi đó, các nhà đầu tư có mặt tại sàn giao dịch đều đồng loạt đứng lên hô to: “Việt Nam, Việt Nam”. Chứng kiến khoảnh khắc đó xen lẫn hình ảnh lá cờ Tổ quốc với những ánh sao vàng chạy chíu chít cùng các con số trên bảng giao dịch, cả đoàn chỉ biết nhìn nhau rưng rưng, có người còn quay sang bảo: “Cứ như giải phóng miền Nam lần thứ hai...”.

Theo Trần Thu Huyền
Báo Tiền phong