Đắk Nông:

Thu tiền tỷ nhờ “ép” cam, quýt ra trái vụ

(Dân trí) - Từng bị gia đình phản đối vì phá 2 ha cà phê đang tuổi kinh doanh nhưng bà Yến vẫn “cả gan làm liều” để có được thu nhập gần 4 tỷ đồng mỗi năm nhờ cam, quýt trái vụ.

Bị chửi vì trồng cam, quýt…

Cùng với xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) thì nhiều năm nay xã Đắk Nia (Thị xã Gia Nghĩa) nổi tiếng là địa phương cung cấp trái cây cho toàn tỉnh Đắk Nông. Tới Đắk Nia, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi cam, quýt bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Nổi tiếng nhất xứ cam quýt này có lẽ là “vua cam” Trần Thị Yến (thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia).


Nhờ “ép” cam, quýt ra trái vụ mà mỗi năm gia đình bà Yến thu lợi cả tỷ đồng.

Nhờ “ép” cam, quýt ra trái vụ mà mỗi năm gia đình bà Yến thu lợi cả tỷ đồng.

Năm 2008, trong một lần ghé thăm vườn trái cây tỉnh Bến Tre, thấy nông dân miền sông nước làm giàu nhờ trồng cam, quýt nên bà Trần Thị Yến nảy sinh ý tưởng đưa loại trái cây này về với đất Tây Nguyên. Sau khi tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác các loại cây ăn trái có múi, bà Yến đề xuất ý tưởng kinh doanh của mình với gia đình.

“Tôi tìm hiểu tài liệu của Trung tâm khuyến nông thì được biết thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Đắk Nia này rất thích hợp để trồng cây ăn trái, đặc biệt là cam quýt nên bàn với chồng chặt cà phê đi trồng thử. Song vừa nêu ý kiến thì nhiều người trong gia đình đã gạt phăng, thậm chí vợ chồng tôi còn không nói chuyện với nhau mấy ngày trời”, bà Yến kể lại thời điểm kế hoạch kinh doanh liên tục vấp phải sự phản đối của gia đình.

“Nhưng càng phản đối, bà ấy lại càng quyết tâm thực hiện ý tưởng trồng cây ăn trái nên dần dà gia đình chúng tôi cũng đành chấp nhận thử nghiệm. Thời điểm đó, tôi “giao khoán” cho bà ấy 2 ha cà phê đang độ tuổi kinh doanh để trồng cam, quýt”, ông Phan Duy Lam (chồng bà Yến) cho biết.

Bà Yến chia sẻ thêm, trong 3 năm đầu, cuộc sống của gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn, vất vả bởi chi phí đầu tư cho loại cây trồng này tiêu tốn hơn 2 tỷ đồng trong khi cam, quýt chưa được thu. “Khi đó, tôi như ngồi trên đống lửa vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế. Mỗi năm trôi qua tôi lại càng sốt ruột vì cây cứ phát triển tươi tốt mà không ra hoa. Phải đến tận năm 2011, vườn cam này mới cho những “quả ngọt” đầu tiên, thu nhập năm đó cũng trên 800 triệu đồng”.

Đổi đời nhờ cam, quýt trái vụ

Vụ mùa đầu tiên thành công ngoài mong đợi, gia đình đồng ý cho bà Yến tiếp tục đầu tư để mở rộng vườn cam, quýt lên 7 ha. Song với mong muốn có giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, bà Yến lại nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của cam, quýt để “ép” chúng ra hoa trái mùa.

“Vua cam Đắk Nia” chia sẻ: “Cho cam quýt ra hoa, kết trái trái vụ rất đơn giản nếu nắm rõ thời vụ của loại cây này. Cây cam, quýt chỉ cần cung cấp đủ lượng nước thì sẽ ra hoa nên tôi căn cứ vào đó để chọn thời điểm tưới nước cho cây.”

Cam, quýt trái vụ của “vua cam Đắk Nia” vẫn bóng đẹp và đảm bảo chất lượng.
Cam, quýt trái vụ của “vua cam Đắk Nia” vẫn bóng đẹp và đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, vào mùa mưa nhà vườn sẽ trải bạt để không cho nước mưa ngấm xuống đất; đến mùa khô lại tăng cường tưới nước cho cây thì chu kỳ ra hoa, kết trái của cây sẽ bị đảo ngược theo ý muốn của người trồng.

“Năm nay cũng là năm thứ 3 tôi cho cam quýt ra trái vụ. Mùa thu hoạch này sản lượng cam, quýt ước tính trên hơn 100 tấn. Với giá bán thị trường trên 30 ngàn đồng/kg thì chúng tôi cũng thu được gần 4 tỷ đồng. Tôi có đi khảo sát thực tế ở một số chợ trong tỉnh thì thấy nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lên khoảng 9 ha ”, bà Yến vui vẻ thông tin thêm.

Được biết, mỗi năm vườn trái cây của gia đình bà Yến cho sản lượng hàng trăm tấn nhưng chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra do thị trường luôn khan hiếm cam, quýt trái vụ. Ngoài thương lái trong tỉnh đến đặt hàng thì cam, quýt của gia đình bà Yến còn được đưa đi tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuật...

Ngoài việc mang lại tiền tỷ cho gia đình, vườn cam, quýt của bà Yến còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 20 lao động với mức lương ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về mô hình trồng cam, quýt trái vụ này, ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia đánh giá: “Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc gia đình bà Yến mạnh dạn đưa giống cây cam, quýt vào trồng trái vụ đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để mở rộng mô hình này, giúp nông dân trên địa bàn học hỏi, phát triển kinh tế”.

Trong khi đó, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện nay toàn tỉnh khoảng 1000 trang trại, trong đó phần lớn là trồng trọt. Nhiều hộ gia đình đầu tư vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoặc mạnh dạn sản xuất theo hướng trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với vai trò hỗ trợ nông dân trong tỉnh, hội sẽ tạo mọi điều kiện để các hộ vay vốn hoặc đưa khoa học vào sản xuất”.

Dương Phong