Thủ phủ may mặc Bangladesh gặp khó, nhà máy phải đóng vô thời hạn

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang, ngành công nghiệp may mặc, trụ cột kinh tế của Bangladesh, đang chìm trong khủng hoảng. Nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa vô thời hạn.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh (BGMEA) đã phải yêu cầu tất cả chủ nhà máy đóng cửa các xưởng sản xuất cho đến khi có thông báo mới. Thông tin này được ông Md Ashikur Rahman Tuhin, Giám đốc BGMEA, chia sẻ qua tin nhắn tới các thành viên thuộc BGMEA.

Cuộc khủng hoảng này đến vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với ngành may mặc Bangladesh. Các tháng 7, 8 và 9 thường là mùa cao điểm cho cả việc vận chuyển hàng hóa cho dịp Giáng sinh và đơn đặt hàng mới cho mùa xuân và mùa hè năm sau.

Bangladesh hiện là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Nước này đã xuất khẩu 38,4 tỷ USD hàng may mặc trong năm 2023, chiếm 83% tổng thu nhập xuất khẩu của Bangladesh.

Chỉ cách đây 2 tuần, ngành này đã phải chịu đựng 4 ngày đóng cửa vì căng thẳng leo thang. Cuộc khủng hoảng này cũng kèm theo việc mất internet khiến các chủ nhà máy không thể liên lạc với đối tác kinh doanh tại nước ngoài. Nhiều nhà máy tại đây đã phải đóng cửa vô thời hạn.

Thủ phủ may mặc Bangladesh gặp khó, nhà máy phải đóng vô thời hạn - 1

Một xưởng may ở Bangladesh (Ảnh: VN).

Ông Mohammad Hatem, Phó chủ tịch điều hành BKMEA, cho biết một số nhà máy ở khu Rupganj và Araihazar, quận Narayanganj vẫn cố gắng duy trì hoạt động nhưng tình hình vẫn rất khó khăn.

Ông nói thêm rằng những nhà máy ở ngoại ô Bangladesh cũng phải đóng cửa sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu và một số nhà máy bị phá hoại. Nỗi lo sợ lan rộng trong ngành khi ít nhất 6 nhà máy may mặc đã bị phá hoại ở khu vực Narayanganj, trung tâm sản xuất của Bangladesh, và các vùng lân cận.

Cuộc khủng hoảng đang đe dọa gây ra những hậu quả lâu dài cho ngành công nghiệp may mặc Bangladesh. Ông Arshad Jamal Dipu, Phó chủ tịch BGMEA, bày tỏ lo ngại đây là thời điểm quan trọng để gia hạn hợp đồng xuất khẩu.

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp còn gặp rắc rối trong khâu nhập khẩu nguyên liệu. Ông Md Towhidur Rahman, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân May mặc Bangladesh, cho biết các nhà máy may mặc ở Kaliakoir, một thành phố ở miền trung Bangladesh, đã bị đóng cửa. Các chủ nhà máy đang cố gắng bảo vệ tài sản của họ trong bối cảnh bất ổn gia tăng.

Theo The daily star, Reuters