1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Thu ngân sách TPHCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày, doanh nghiệp cần gấp "oxy"

Việt Đức

(Dân trí) - Từ mức thu ngân sách bình quân 1.400 tỷ đồng/ngày trước tháng 6, số thu của TPHCM sụt giảm mạnh chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày. Doanh nghiệp, nền kinh tế của TPHCM đang cần những chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Thu ngân sách TPHCM giảm sâu

Chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 2/10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu sức khỏe doanh nghiệp, nền kinh tế TPHCM đang rất khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế sau 9 tháng đều giảm rất sâu, đặc biệt các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ thu ngân sách khả năng không hoàn thành nhiệm vụ. 

Ông Hoan chia sẻ 6 tháng đầu năm, bình quân TPHCM thu ngân sách 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng 7-8 chỉ còn 700 tỷ đồng mỗi ngày, và tháng 9 vừa qua tiếp tục giảm còn 600 tỷ đồng/ngày. 

Theo ông Hoan, đầu tháng 8, dự kiến GRDP của TPHCM năm nay sẽ giảm 2,8%. Nhưng đến lúc này, GRDP cả năm của thành phố dự đoán sẽ giảm khoảng 5,6%, tức gấp đôi ước tính trước đó. "Vốn của doanh nghiệp cạn kiệt, nguồn lực ngân sách khó khăn", ông Hoan chia sẻ. 

Phó Chủ tịch TPHCM chia sẻ các chính sách hiện nay ban hành có tính phổ quát, áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp. Do đó, ông dẫn lại đề xuất của các chuyên gia kinh tế nên phân loại ra từng nhóm doanh nghiệp theo tình hình sức khỏe để có chính sách phù hợp hơn. Một doanh nghiệp chuẩn bị phá sản cần chính sách khác với doanh nghiệp đóng cửa tạm thời hay doanh nghiệp vẫn sản xuất.

Thu ngân sách TPHCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày, doanh nghiệp cần gấp oxy - 1

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu về khó khăn của kinh tế thành phố (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ông Hoan cũng cho biết các chuyên gia kinh tế đều có chung dự báo để TPHCM phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian, có thể 9-10 tháng hay một năm, chứ không thể vừa mở cửa đã phục hồi ngay. Do đó, ông kiến nghị các chính sách hỗ trợ cần kéo dài thời hạn, ít nhất qua năm 2022 để doanh nghiệp từng bước gượng dậy, phục hồi rồi mới ổn định sản xuất.

TPHCM cũng mong muốn được cho phép hỗ trợ 100% tiền thuê đất 2 năm 2021-2022 với doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lữ hành, lưu trú trên địa bàn thành phố vì đây là lĩnh vực đặc biệt khó khăn, gần như không có doanh thu thời gian qua.

Chấp nhận tăng nợ công để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, cho rằng TPHCM đang đứng trước tình thế đặc biệt chưa từng có nên cần giải pháp mới chưa có tiền lệ. Trong lịch sử, TPHCM chưa từng đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm cả năm, chỉ 20% doanh nghiệp hoạt động được như thời gian vừa qua.

Giáo sư Nhân khẳng định mấu chốt lúc này là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì dòng tiền dù không có hoạt động để giữ chân người lao động. Bản thân người lao động cũng cần được hỗ trợ dù không có việc làm để có thể nuôi gia đình. Nhiều nước cấp tiền trực tiếp cho người dân để họ có thể mua sắm, qua đó kích cầu kinh tế.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng Việt Nam đã có kế hoạch chi khoảng 100.000 tỷ USD (hơn 4 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông, đây là sự nỗ lực rất lớn vì ngân sách không dự kiến chi cho việc này. Tuy nhiên, ông cho rằng con số trên là chưa đủ. 

Thu ngân sách TPHCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày, doanh nghiệp cần gấp oxy - 2

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Hồng Hạnh).

Giáo sư Nhân cho biết qua nghiên cứu nhiều quốc gia trên thế giới, các nước phát triển lẫn đang phát triển đều chấp nhận nguyên tắc khi kinh tế suy giảm, phải tăng chi, tăng nợ công để hỗ trợ phát triển kinh tế trở lại. 

Theo đại biểu đoàn TPHCM, 2 năm vừa qua, nợ công của Việt Nam chỉ tăng 0,5%, do đó còn nhiều dư địa. Ông Nhân tính toán cần tổng gói tài trợ ít nhất tương đương 6,5% GDP, tương đương 410.000 tỷ đồng (18 tỷ USD), nếu nợ công Việt Nam tăng thêm 6,5% vẫn chưa chạm trần. Tuy nhiên, Quốc hội phải có nghị quyết đặc biệt về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vì Luật Quản lý nợ công chỉ cho phép sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Doanh nghiệp cần "thở oxy"

Đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội của TPHCM nhiều lần nhắc đến từ "oxy" để so sánh với sự hỗ trợ về dòng tiền, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp. 

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM kiến nghị gói hỗ trợ lãi suất cần áp dụng quy trình đặc biệt để doanh nghiệp tiếp cận, không phân biệt ngành nghề. "Dòng tiền với doanh nghiệp lúc này như oxy", ông Việt khẳng định.

Theo ông, doanh nghiệp không tiếp cận được gói hỗ trợ nếu có nợ xấu, doanh thu, lợi nhuận không tốt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh số, lợi nhuận âm, do đó nếu áp dụng quy định như bình thường sẽ khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay. Ông Việt dẫn chứng Vietnam Airlines dù thua lỗ lớn vẫn nhận được chính sách hỗ trợ tín dụng riêng đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. 

Thu ngân sách TPHCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày, doanh nghiệp cần gấp oxy - 3

Thực hiện quy định giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM thua lỗ nên không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng để tái sản xuất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng ví von người bệnh cần oxy còn dòng tiền là oxy cho doanh nghiệp. Ông Kỳ cho rằng muốn vay vốn, ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Nhưng các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành 2 năm qua gần như đã dùng hết tài sản để thế chấp, không có doanh thu, lại lỗ lớn nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng theo tiêu chí thông thường.

Ông Kỳ cho rằng Nhà nước có thể tính toán tăng cung tiền cho các tổ chức tín dụng. Với tình hình vĩ mô ổn định, lạm phát thấp dự trữ ngoại hối quốc gia ở mức cao, ông tin tưởng Việt Nam có cơ sở để căng cung tiền hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế mà không quá lo ngại lạm phát tăng cao như giai đoạn 2008-2012.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng, doanh nghiệp hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh từ 9/7 (thời điểm TPHCM bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16). Chỉ một tỷ lệ khoảng chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến.

Khảo sát của hiệp hội cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và chỉ còn dòng tiền duy trì hoạt động "ít hơn một tháng" chiếm gần 40%, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền có thể giúp duy trì hoạt động 1-3 đạt 46%. Như vậy, chưa đến 15% doanh nghiệp của TPHCM đủ dòng tiền duy trì hoạt động trên 3 tháng.