1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng: Không cực đoan, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, đẩy sản xuất

Thế Hưng

(Dân trí) - Khi tình hình dịch phức tạp, ưu tiên số một đặt ra là phòng chống dịch, đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết nên phải hy sinh một phần kinh tế. Kinh tế dù khó khăn vẫn có những điểm sáng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã ưu tiên số một cho phòng, chống dịch, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết cho nên phải hy sinh một phần kinh tế.

Cùng với nỗ lực cao nhất phòng chống dịch, những tháng cuối năm, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Thủ tướng: Không cực đoan, thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, đẩy sản xuất - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng chia sẻ, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quý III. Tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình vẫn có những điểm sáng. Trong đó, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt. Thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì.

Theo Thủ tướng, với sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Tại các tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu, đây là một điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý III và tháng 9 sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chúng ta vẫn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chúng ta đồng thời không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Để kích thích kinh tế tăng trưởng trở lại trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được Thủ tướng giao trọng trách xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đồng thời, Bộ phải cùng các địa phương tập trung giải ngân vốn ODA.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương cần bàn bạc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để mở cửa sản xuất an toàn. 

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn ở châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, tổ chức khai thác tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

"Tính toán, dự báo cung cầu hàng hóa dịp cuối năm để không thiếu hàng, triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành giá", Thủ tướng nói và đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU của EU với thủy sản Việt Nam.