Thu hút các dự án "ong chúa" vào Bình Định
(Dân trí) - Với vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ có cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt; cùng với chính sách ưu đãi, tỉnh Bình Định thực sự là lực hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.
Những ông lớn đang hiện diện ở Bình Định
Thưa ông, trong những năm gần đây, Bình Định đang là điểm sáng thu hút đầu tư, đến nay có những nhà đầu tư lớn nào đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, đặc biệt là Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định?
- Từ ngày thành lập Khu kinh tế đến nay, lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế luôn quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn, các dự án "ong chúa" có quy mô lớn về diện tích, vốn đầu tư, công nghệ và sử dụng nhiều lao động, có tác động lan tỏa vào tỉnh Bình Định nói chung và Khu kinh tế Nhơn Hội - các KCN của tỉnh nói riêng.
Trong những năm qua, các dự án lớn đã thu hút thành công vào Khu kinh tế có thể kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thiện theo kế hoạch và đang cung cấp nguồn điện năng cho Khu kinh tế: Nhà máy điện mặt trời Fujiwara 50MW, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (21MW), Phương Mai 1 (30MW), Nhà máy phong điện Nhơn Hội 1&2 (60MW).
Các dự án du lịch - dịch vụ quy mô lớn gồm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sân Golf FLC, dự án Maia Quy Nhơn Beach Resort, dự án Khu du lịch Trung Lương cũng đã đi vào hoạt động.
Về lĩnh vực sản xuất công nghiệp có các dự án quy mô lớn của Tập đoàn Hoa Sen gồm: Nhà máy thép và Nhà máy ống nhựa, các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các dự án nêu trên đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng chỉ số GRDP cho Bình Định.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định tuy mới được thành lập vào năm 2020, nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm của chủ đầu tư là Tập đoàn Becamex IDC, KCN này đã nhanh chóng được triển khai rất khẩn trương công tác chuẩn bị mặt bằng và cơ sở hạ tầng.
Trong năm nay, đã có 1 dự án FDI khánh thành đi vào hoạt động (Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Kurz Việt Nam của CHLB Đức, trên quy mô diện tích 12ha, vốn đầu tư 40 triệu USD tại KCN Becamex VSIP Bình Định) và 3 dự án FDI khác cũng đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN Becamex VSIP Bình Định (dự án sản xuất của Công ty TNHH HanShin Metal Vina có tổng vốn 5,1 triệu USD của Hàn Quốc; dự án nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, kim loại, nhựa giả mây và nệm nội, ngoại thất có tổng vốn 32 triệu USD của Hà Lan và dự án nhà máy sản xuất nội thất xuất khẩu có tổng vốn 8 triệu USD của Hong Kong).
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tại KCN để tiếp tục xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh.
Ông kỳ vọng như thế nào vào các "ong chúa" đã và đang đầu tư vào tỉnh?
- Theo quy định, các dự án có quy mô lớn là các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời có một trong các tiêu chí như: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động.
Đối với các dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, tăng dần quy mô công suất của dự án.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ sử dụng nhiều lao động tại địa phương, góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh Bình Định, đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Đối với các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan, triển khai nhanh chóng công tác đầu tư xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư
Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy ở Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN còn khiêm tốn. Vậy theo ông đâu là "rào cản" lớn nhất?
- Tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Khu kinh tế đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Tuy nhiên "rào cản" lớn nhất, trước hết phải kể đến những thách thức sau đại dịch Covid-19.
Những tác động của dịch bệnh đã làm tình hình giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động thu hút đầu tư vào KKT, KCN gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Các doanh nghiệp chưa dám đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất, chưa kể việc doanh nghiệp phải đối mặt với khả năng thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh ở một số lĩnh vực ngành hàng, tiếp tục hoạt động cầm chừng, thậm chí phải giải thể phá sản.
Theo ông, đâu là giải pháp trong thời gian đến, để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh?
- Thu hút đầu tư lấp đầy Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.
Ngoài giải pháp tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó có hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tham mưu và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN cụ thể như sau:
Xây dựng hình ảnh "thương hiệu" Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh Bình Định. Đây là nhiệm vụ nội tại của Ban Quản lý Khu kinh tế trong thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn, từng bước xây dựng "thương hiệu" của riêng tỉnh.
Đổi mới công tác thu hút đầu tư bằng việc tổ chức các đợt xúc tiến, kêu gọi đầu tư định hướng vào các thị trường trọng điểm, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, tập trung thu hút các dự án đô thị, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, cảng biển, nhà ở cho công nhân.
Quan tâm đến việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn ở hai đầu đất nước để giới thiệu về tỉnh Bình Định.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cụ thể, đối với các hạng mục nội khu, tập trung kêu gọi nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cảng Nhơn Hội, nhà ở cho công nhân, hoàn thiện hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống giao thông, xử lý nước thải, rác thải… Đối với các hạng mục bên ngoài, cần tập trung và đề xuất xây dựng chợ, trường học, trạm y tế, bệnh viện… để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.
Hoàn thiện và cải cách mạnh mẽ hơn nữa các chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng ưu đãi hơn khi đầu tư vào Khu kinh tế, KCN tỉnh Bình Định và xử lý thủ tục hành chính về đầu tư theo hướng đơn giản hóa, nhanh, gọn và chuyên nghiệp.
Nhanh chóng hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư đối với các dự án, nhất là các dự án động lực, sử dụng nhiều lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương.
Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ và có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để kịp thời phục vụ nhu cầu lao động của các nhà đầu tư.
Thu hút dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Ông có thể chia sẻ thêm, thời gian tới Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào nhóm lĩnh vực nào?
- Trong công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Khu kinh tế không có nhiều lựa chọn trong công tác lựa chọn, các nhà đầu tư lớn thường tập trung ở 2 đầu đất nước dẫn tới việc thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Định và Khu kinh tế tỉnh Bình Định gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh vẫn đảm bảo một số tiêu chí tiên quyết như môi trường, công nghệ, năng lực tài chính, năng lực quản lý, vận hành dự án.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế dự kiến thu hút và tập trung thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, vừa có khả năng tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nên ngành công nghiệp của địa phương, nhưng đồng thời cũng đảm bảo được yếu tố phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp, đô thị và dịch vụ liên quan khác để hoạt động đồng bộ, lấp đầy các phân khu của Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tiếp tục ưu tiên mời gọi các dự án liên quan để hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như Cảng Nhơn Hội, đẩy nhanh việc đầu tư phát triển Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, nhà ở công nhân, bệnh viện, trường học.