1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thông tin “giật mình” về công ty trúng thầu “mỗi chữ 1 tỷ đồng” ở Hòa Bình

(Dân trí) - Vụ việc xây lắp khẩu hiệu 11 chữ (âm tiết) tốn kém 11 tỷ đồng tại Hòa Bình đang thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Và những thông tin về đơn vị trúng thầu đã không khỏi gây bất ngờ!

Áp lực nợ vay của công ty trúng gói thầu “mỗi chữ 1 tỷ đồng” ở Hòa Bình

Dư luận xôn xao trước việc UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này làm chủ đầu tư công trình xây lắp một câu khẩu hiệu gồm 11 chữ (âm tiết - PV) tại khu vực đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) với tổng mức đầu tư dự kiến gần 11 tỷ đồng.

Thông tin “giật mình” về công ty trúng thầu “mỗi chữ 1 tỷ đồng” ở Hòa Bình - 1

Công trình 11 chữ hơn 10 tỷ đồng do công ty Anh Kỳ xây dựng tại tỉnh Hòa Bình.

Bên thực hiện các gói thầu thi công xây lắp công trình dự án mà mỗi âm tiết lên đến gần 1 tỷ đồng này là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Anh Kỳ (Công ty Anh Kỳ). Điều thú vị là công ty này có ngành nghề chính là buôn bán ô tô và xe có động cơ khác, vốn điều lệ 22,5 tỷ đồng.

Trong năm 2019, công ty này tuy ghi nhận doanh thu gần 360 tỷ đồng nhưng lãi chỉ đạt hơn 637 triệu đồng (năm 2018 lỗ gần 64 triệu đồng). Nợ phải trả tại ngày 31/12/2019 là 105,7 tỷ đồng chiếm 85% tổng tài sản, cao gấp 7 lần vốn chủ sở hữu. Tiền và tương đương tiền ở mức 1,36 tỷ đồng.

Tờ Lao động dẫn một nguồn tin khác tại tổ chức tín dụng cho biết, tín nhiệm của Công ty Anh Kỳ được xếp ở mức Ba2 - tức là thuộc nhóm doanh nghiệp có mức độ rủi ro tín dụng cao.

Công ty Anh Kỳ còn điều gì đáng chú ý?

Theo tổng hợp trên tờ Dân Việt, ngay trước khi trúng gói thầu gần 11 tỷ đồng của tỉnh Hòa Bình, Công ty Anh Kỳ đã tăng vốn từ 18,7 tỷ lên 22,5 tỷ đồng. Đồng thời, ngành nghề kinh doanh được điều chỉnh từ 48 lên 60 ngành, nghề.

Tuy nhiên, lĩnh vực chính của doanh nghiệp này lại là bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy và xe có động cơ khác - là lĩnh vực không liên quan tới gói thầu mà doanh nghiệp này vừa trúng.

Ngoài gói thầu “Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng”, Công ty Anh Kỳ còn là đối tác “quen mặt” trúng nhiều gói thầu khác của sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay công ty này tham gia 11 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 10 gói, trượt thầu 0 gói, 1 gói chưa có kết quả. Trong đó, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (Sở VH-TT&DL), từ đầu năm 2020 đến nay Anh Kỳ trúng 3 gói thầu lớn với hơn 36 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 10/9, liên danh Công ty Anh Kỳ và Công ty Cổ phần thương mại thiết bị kỹ thuật công nghệ cao là đơn vị trúng thầu, gói thầu thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình cải tạo Thư viện tỉnh cũ thành Bảo tàng tỉnh. Giá gói thầu 12.829.393.000 VND, giá trúng thầu 12.829.393.000 VND.

Trước đó, vào tháng 4, doanh nghiệp này trúng gói thầu Thi công xây lắp và thiết bị công trình Cải tạo, sửa chữa Cung văn hóa tỉnh Hòa Bình. Giá gói thầu có giá 13.078.269.000 VND, giá trúng thầu 13.074.562.000 VND.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mãi chưa chạy, Hà Nội gửi thư cho Thủ tướng

Bên cạnh câu chuyện ở Hoà Bình thì những thông tin về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thời gian gần đây vẫn nhận được sự quan tâm lớn của người dân Thủ đô và cả nước.

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành uỷ Hà Nội mới đây đã đề cập tới việc tháo gỡ vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Huệ cho hay ông đã gửi thư cho Thủ tướng, Thủ tướng nói đã nhận được và hứa sẽ có cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành.

Ông cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát các dự án chậm triển khai, Thường trực HĐND Thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi để dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định.

Thâm hụt 100 tỷ đồng/tháng, Đường sắt Quốc gia đang khó khăn nhất lịch sử

Việc bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Kết quả sản xuất, kinh doanh 8 tháng năm 2020, doanh thu của công ty mẹ chỉ đạt 1.164,7 tỷ đồng bằng 72,5% so với cùng kỳ và 55,5% kế hoạch năm; doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 4.088,5 tỷ đồng bằng 77,8% so với cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ trên 1.200 tỷ đồng.

Với dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 bị lỗ trên 1.200 tỷ đồng, dòng tiền bị suy giảm nhanh ngay từ tháng 3/2020. Hiện tại trung bình một tháng công ty mẹ VNR bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Dự tính, tổng thâm hụt dòng tiền của Đường sắt Việt Nam cả năm sẽ vào 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng.